Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống trước đó, ông Donald Trump đã ký gần 60 sắc lệnh hành pháp, trong đó hơn một nửa được ban hành trong 100 ngày đầu tiên.
Lần này, ông Trump dự kiến đi theo con đường tương tự ngay sau khi trở lại Nhà Trắng với hàng chục sắc lệnh hành pháp trong những ngày và tuần sắp tới, thiết lập hướng đi cho chính quyền mới ngay từ đầu.
Nhập cư và thuế quan
An ninh biên giới và chính sách nhập cư là những ưu tiên hàng đầu. Ông Trump có thể tái áp dụng nhiều biện pháp đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, như ra lệnh hoàn thành bức tường biên giới Mỹ – Mexico, khôi phục chính sách “Ở lại Mexico” – theo đó yêu cầu người di cư phải chờ tại Mexico trong khi các hồ sơ xin tị nạn của họ được tòa án Mỹ xem xét…
Ông cũng được dự đoán sẽ khôi phục các lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi, tạm ngừng tiếp nhận người tị nạn, chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh (động thái sẽ đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp).
Được nói đến nhiều là những biện pháp mạnh mẽ nhằm trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp, như tiến hành “chiến dịch trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ” lớn nhất lịch sử.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều hành động của ông Trump sẽ phải đối mặt không ít thách thức, cả về pháp lý và chi phí. Theo ước tính từ Hội đồng Nhập cư Mỹ, khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ đang sinh sống tại Mỹ và việc trục xuất họ có thể tốn hàng tỉ USD mỗi năm.
Theo đài CNN, nhân sự của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan (ICE) sẽ được gia tăng tại các thành phố lớn – như Washington, Denver, Chicago… – sau khi ông Trump nhậm chức. Tại đây, họ nhắm mục tiêu vào người nhập cư không giấy tờ, có tiền án tiền sự và đủ điều kiện bị trục xuất.
Tại Denver, các nhóm vận động và luật sư về nhập cư cho biết họ đã nhận được thông tin từ những người di cư đang hoang mang, chủ yếu là người mới đến. Theo tờ Denver Post, một số người di cư trong số này cho biết đang cân nhắc ra trình diện với ICE, “tự trục xuất” hoặc thậm chí tìm cách xin tị nạn tại Canada.
Kinh tế cũng là mối bận tâm lớn của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ 2. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), nhà lãnh đạo này cam kết sớm ban hành sắc lệnh hành pháp chỉ thị các cơ quan liên bang làm mọi cách để “đánh bại lạm phát và nhanh chóng giảm giá tiêu dùng”. Lạm phát tại Mỹ gần đây đã giảm nhưng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Thúc đẩy khai thác dầu khí
Đáng chú ý, thuế quan tiếp tục là đòn bẩy trong chính sách thương mại của ông Trump, tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi đó, ông đã áp đặt thuế quan lên hơn 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thời gian qua, ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan ít nhất 10% lên các mặt hàng Trung Quốc. Đi xa hơn, ông còn cho biết một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên được ông ký khi nhậm chức là áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada vào Mỹ.
Không dừng lại ở đó, ông chủ mới của Nhà Trắng có thể ban hành sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), một sáng kiến thương mại quan trọng của chính quyền ông Joe Biden.
Một số nhóm vận động hành lang thuộc Đảng Cộng hòa còn thúc đẩy chính quyền ông Trump rút khỏi Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dù nhiều nhà phân tích cho rằng điều này khó có thể xảy ra.
Về lĩnh vực năng lượng, ông Trump dự kiến ban hành sắc lệnh bãi bỏ nhiều chính sách của người tiền nhiệm, như dỡ bỏ lệnh tạm hoãn cấp giấy phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức
Ông cũng chủ trương mở rộng đáng kể hoạt động khoan dầu khí trên các vùng đất và vùng biển liên bang. Đây là những bước đi phù hợp với kế hoạch của ông nhằm giúp Mỹ độc lập hoàn toàn về năng lượng.
Ngoài ra, một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên liên quan đến khí hậu của ông Trump có thể là rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, được thông qua năm 2015 nhằm giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Ông Trump đã làm điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Sau đó, ông Biden đưa Mỹ gia nhập trở lại hiệp định trong ngày đầu tiên ông nhậm chức. Ông Trump cũng được cho là đang cân nhắc rút Mỹ khỏi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992 – hiệp ước nền tảng của các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc.
Sắc lệnh hành pháp là một công cụ mạnh mẽ có hiệu lực như một đạo luật, cho phép tổng thống thực hiện các lời hứa khi tranh cử hoặc theo đuổi các mục tiêu chính sách có thể gặp phải sự phản đối hoặc cản trở từ Quốc hội.
Dù sắc lệnh hành pháp là công cụ chính sách hiệu quả, chúng vẫn có thể gặp phải những thách thức pháp lý và hành chính đáng kể và thường bị đảo ngược bởi các chính quyền kế nhiệm. Chẳng hạn như ông Joe Biden đã hủy bỏ nhiều sắc lệnh được ông Donald Trump ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên. Hơn nữa, Quốc hội cũng có thể thông qua luật để vô hiệu hóa sắc lệnh hành pháp, làm tăng thêm sự phức tạp trong quá trình thực thi.
Nguồn: https://nld.com.vn/sac-lenh-thoi-ong-trump-196250120224046653.htm