Không phải ai cũng đủ điều kiện đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, nhưng lắp chúng ở ban công thì dễ hơn nhiều.
Đúng ngày đầu năm mới 2025, trang tin về công nghệ, giải pháp “làm mát” Trái đất The Cool Down giới thiệu 5 cách dùng năng lượng mặt trời sáng tạo có thể hữu ích trong tương lai, từ đặt các tấm pin năng lượng mặt trời giữa hai thanh ray xe lửa như đã áp dụng ở Thụy Sĩ, đến kết chúng thành bè nổi rồi thả lênh đênh để tối ưu hóa khả năng bắt ánh sáng (Bồ Đào Nha).
Một mô hình khả dĩ dễ áp dụng với toàn dân hơn là “điện mặt trời ban công”.
Phải nhấn mạnh là pin mặt trời ban công để thấy sự khác biệt với loại pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà vốn đã phổ biến.
Khi lần đầu thấy các tấm pin mặt trời ban công này tại một hội chợ thương mại về phát triển bền vững ở Berlin, bà Waltraud Berg kinh ngạc vì khả năng hoạt động và tính tiện lợi của nó.
Phụ nữ tuổi hưu như bà cũng tự lắp được cho căn hộ của mình. “Không cần khoan hay đóng gì cả. Chỉ cần treo chúng lên ban công như phơi quần áo” – bà nói với The New York Times.
Không đâu chuộng loại pin mặt trời mới này như người Đức. Hãng tin dpa dẫn dữ liệu từ Cơ quan Quản lý mạng lưới liên bang (BNetzA) cho thấy số lượng hệ thống điện mặt trời cắm trực tiếp ở Đức đã vượt qua con số 700.000 tính đến ngày 2-10-2024, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Hàng chục vạn “nhà máy điện mặt trời trên ban công” này đang đóng góp tổng công suất lên tới 600 megawatt.
Dù con số này chẳng là gì nếu so với tổng công suất điện mặt trời của Đức (83 gigawatt năm 2023), chính tốc độ tăng trưởng loại hình điện này mới đáng chú ý – 140.000 hệ thống mới đã được đăng ký chỉ riêng trong quý 3-2024.
Một trong những chất xúc tác là giá ngày càng rẻ và thủ tục ngày càng đơn giản.
Carsten Körnig, giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời Đức (BSW Solar), cho rằng trong tương lai, ngay cả những người thuê nhà sẽ có quyền yêu cầu chủ nhà cho phép lắp đặt và sử dụng.
Quy định này vừa được Hội đồng Liên bang Đức (Bundesrat) phê duyệt nhằm cải thiện quyền của người thuê nhà và chủ sở hữu trong việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên ban công có công suất lên đến 800 watt.
Nhìn tổng thể, Đức đang đặt mục tiêu đạt 80% điện năng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện của cả nước vào năm 2030. Trong nửa đầu năm nay, năng lượng tái tạo đã đáp ứng 57% sản lượng điện của Đức.
Tính đến tháng 4-2024, Đức đã lắp đặt 3,4 triệu hệ thống điện mặt trời trên toàn quốc, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu những năm 2000, Đức khuyến khích người dân lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà bằng cách trả phí cho năng lượng gửi vào lưới điện.
Nhưng những khoản này ngày càng ít hấp dẫn, khiến nhiều người không mặn mà lắp điện trên mái vốn rất tốn công. Từ mái nhà, pin chuyển xuống ban công thì lại được chào đón.
Bên cạnh sự tiện lợi, một số nhà sản xuất còn nhận thấy tâm lý muốn sử dụng sản phẩm vì môi trường, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ tuổi. Christian Ofenheusle, nhà sáng lập EmpowerSource, cho biết các gia đình trẻ thường có quan tâm cho các vấn đề môi trường, khí hậu.
Họ rất muốn đóng góp một chút gì đó để cải thiện tình hình. “Ngay cả khi tiết kiệm dưới 100 euro mỗi năm, họ vẫn làm vì thế hệ tương lai” – ông nói.
Một người tiêu dùng tiêu biểu, Thomas Losch, nói đơn giản: “Tôi cảm thấy hài lòng vì đã làm điều gì đó để giảm lượng khí thải carbon nhà mình. Tôi không cứu được thế giới, nhưng tôi đang đóng góp phần nhỏ của mình”.
Theo trang Euronews, Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ việc áp dụng điện mặt trời ban công.
Tuy nhiên, điều này không mang tính bắt buộc, và không phải tất cả các quốc gia đều tích cực thúc đẩy công nghệ này.
Điển hình, Bỉ cấm các thiết bị điện mặt trời cắm trực tiếp do lo ngại về tác động của các hệ thống chưa đăng ký đối với lưới điện quốc gia.
Các nhà vận hành lưới điện mong muốn kiểm soát nguồn cung điện, vì những thay đổi đột ngột có thể dẫn đến sự cố mất điện.
Trong khi đó, lập trường của các quốc gia khác như Áo, Pháp, Ý, Ba Lan và Luxembourg đều là khuyến khích điện mặt trời ban công.
Chẳng hạn từ tháng 9-2024, Áo cho phép các chủ nhà có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời cắm trực tiếp trên ban công hoặc sân thượng với thủ tục đơn giản hơn.
Tương tự, Pháp gần đây cởi bỏ quy định phức tạp với những hệ thống năng lượng mặt trời ban công có công suất dưới 350 watt.
Quốc gia tích cực không kém Đức là Tây Ban Nha.
Santiago Vernetta, CEO của Tornasol Energy, một trong những nhà cung cấp chính tại Tây Ban Nha, cho rằng những tấm pin ban công có sự linh hoạt, giá rẻ và khả năng kết nối trực tiếp với mạng lưới điện gia đình qua bộ chuyển đổi, không cần chi phí lắp đặt.
Ông phân tích diện tích bề mặt dọc các thành phố lớn hơn rất nhiều so với diện tích mái nhà.
Tại Tây Ban Nha, các tấm pin ban công còn được hưởng lợi nhiều hơn từ ánh sáng mặt trời thấp vào mùa đông, có thể tiện lợi sử dụng mà khỏi phải sắm thêm thiết bị dự trữ pin.
Michael Schmela, giám đốc phân tích thị trường tại SolarPower Europe, cho rằng điện mặt trời cắm trực tiếp là một phần trong hệ thống các giải pháp toàn diện.
Dù ở mức hộ gia đình hay cộng đồng, là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt tại các thành phố vốn phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài đến 97%.
TRỌNG NHÂN
Nguồn: https://tuoitre.vn/chong-bien-doi-khi-hau-tu-ban-cong-20250113080707907.htm