1.
Và tôi muốn nói với bạn về sức khỏe. Không phải sức khỏe để tồn tại trong cuộc sống, mà là sức khỏe căng tràn tuổi xuân và niềm vui…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “sức khỏe là tình trạng đầy đủ về thể trạng, về tinh thần và về sự thoải mái tiện nghi xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay khiếm khuyết cơ thể”.
Như vậy, sức khỏe là khái niệm nhiều khía cạnh, được cấu thành bởi sức khỏe thể trạng (physical health), sức khỏe tinh thần (mental health) và sức khỏe xã hội (social health). Trước khi đi sâu vào sức khỏe xã hội, khái niệm có lẽ còn xa lạ với một số người Việt, xin được tóm tắt về sức khỏe thể trạng và sức khỏe tinh thần.
Sức khỏe thể trạng và sức khỏe tinh thần được biết từ lâu, người xưa để lại câu nói: Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.
Nói tới sức khỏe thể trạng là nói tới tình trạng hoạt động bình thường của các bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn… trong cơ thể. Sức khỏe thể trạng được duy trì bằng chế độ thể dục thích hợp, chế độ ăn uống cân bằng và nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các thói quen sống có hại như hút thuốc, say rượu…
Các bệnh thông thường của sức khỏe thể trạng liên quan tới những cơ quan của các bộ máy tuần hoàn (tim, mạch), hô hấp (phổi), tiêu hóa (bao tử, ruột), vận động (cơ, xương)…
Nói tới sức khỏe tinh thần là nói tới sức khỏe của việc suy nghĩ và cảm nhận, cảm xúc. Đó là tình trạng hoạt động tốt, cân bằng về cảm xúc và tâm lý. Điều này được thể hiện bằng năng lực quản lý áp lực và sự căng thẳng, duy trì các mối quan hệ và ra quyết định.
Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng trên hạnh phúc của cuộc sống, trên cách một người suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Các bệnh thông thường của sức khỏe tinh thần gồm có trầm cảm, lo lắng, tâm thần phân liệt…
Lê Học Lãnh Vân
2.
Có lẽ nhiều người cảm nhận được mối liên kết của một người với người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các giới xa hơn nữa trong xã hội. Nếu được duy trì cân bằng, hài hòa, vui tươi và mang lợi ích cho các bên, mối liên kết đó sẽ mang tới sự thoải mái, tình cảm và hạnh phúc cá nhân. Cảm nhận đó là bước đầu của khái niệm sức khỏe xã hội.
Mùa xuân là dịp gặp gỡ, hội hè. Chúng ta thường thấy những buổi sum họp gia đình, gặp gỡ bạn tưng bừng vui tươi, người người rạng rỡ. Nhưng thỉnh thoảng trong đám đông vui cười vẫn có những người mặt không thoáng niềm vui, thờ ơ, buồn rầu hay căng thẳng. Hình như họ lạc lõng giữa đám đông cười nói.
Trước kia chúng ta cho rằng đó là những người trầm lặng, hướng nội, ít quan tâm tới sự việc trước mắt để suy nghĩ nhiều về những đề tài trừu tượng xa xôi, không thích chốn đông người để ngồi riêng đào sâu suy tưởng. Kiến thức xã hội và y học hiện nay cho rằng những người đó có vấn đề về sức khỏe xã hội!
Sức khỏe xã hội có thể được khái niệm như là năng lực tạo mối giao kết hài lòng với người khác và ứng xử một cách thích nghi trong những mối giao kết khác nhau. Những giao kết như vậy vui tươi, lành mạnh có nhiều ý nghĩa tích cực cho xã hội. Một người có sức khỏe xã hội tốt có cuộc sống hài lòng, uyển chuyển và thích nghi với các thay đổi của cộng đồng.
3.
Người có sức khỏe xã hội tốt tạo được những mối giao tiếp xã hội vui tươi, có ích. Trong môi trường Việt, những mối giao tiếp như vậy giúp cá nhân dễ xoay xở khi gặp khó khăn, giúp dễ có cơ hội làm ăn hay có công ăn việc làm.
Trong môi trường phương Tây cũng vậy, tiêu chuẩn chọn nhân viên thường yêu cầu năng lực tìm kiếm và xây dựng, duy trì quan hệ cá nhân, làm việc nhóm, mạng… Đó cũng là tiêu chuẩn chọn đối tác làm ăn.
Tất cả những tiêu chuẩn đó đều cần sức khỏe xã hội tốt.
Sức khỏe xã hội tốt không chỉ giúp tạo mối giao tiếp ngoài xã hội, mà còn giúp sự cân bằng giữa đời sống cá nhân với xã hội, giữa đời sống chuyên môn với các mặt khác của cuộc sống. Nó cũng giúp giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu đặc biệt của riêng ta với những yêu cầu của xã hội.
Sức khỏe xã hội tốt cũng giúp tạo sự giao tiếp thành công nơi riêng tư, trong gia đình, với vợ (chồng) con. Và cũng tạo mối giao kết giữa ta với ta, nghĩa là chính mình hài lòng với mình!
Các nhà xã hội học nghiên cứu về sức khỏe xã hội đã công bố rằng mối giao tiếp xã hội là một phần sống còn của sức khỏe tổng quát và sự vui sống. Các mối giao tiếp xã hội, thông qua việc giúp sự cân bằng cuộc sống, có vai trò đặc biệt bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Cuộc sống cân bằng và sức khỏe tinh thần tốt cũng giúp hệ kích thích tố điều hòa hơn, hệ miễn dịch hữu hiệu hơn khiến cơ thể dễ chống lại bệnh tật hơn, nghĩa là giúp củng cố sức khỏe thể chất. Vậy sức khỏe xã hội rất quan trọng vì giúp sức khỏe thể trạng và sức khỏe tinh thần phát triển vững chắc hơn.
Như vậy, sức khỏe xã hội tốt giúp người ta mạnh khỏe, thành đạt, có vị trí xã hội và có tài sản – những điều kiện cần cho một cuộc sống hạnh phúc.
4.
Lê Học Lãnh Vân
Không phải trẻ em nào cũng may mắn có tuổi thơ hạnh phúc, được chăm sóc chu đáo. Các bậc cha mẹ cần biết rằng sự chăm sóc đúng đắn giúp con mình lớn lên với sức khỏe xã hội tốt. Điều này ảnh hưởng tích cực trên sự phát triển toàn diện về sau, giúp trẻ lớn lên dễ thành công trên nhiều mặt của đời sống và hưởng hạnh phúc lâu bền.
Cha mẹ thương con nhưng chưa chắc biết cách chăm sóc con theo khoa học. Cách chăm sóc con theo nếp cũ thiếu khoa học vẫn còn thấy ở không ít bậc cha mẹ, nhất là ở thôn quê. Thí dụ nếp cũ cho rằng cha mẹ không nên gần gũi con nhiều quá vì khiến trẻ dễ ngươi, khó dạy; không nên khen con vì khiến trẻ tự kiêu, tự mãn. Họ không biết đang đưa con mình vào tâm trạng cô đơn, rụt rè, tự ti có hại cho sức khỏe xã hội của con.
Trẻ em cần được phát triển lòng tự tín, tự trọng, tự thấy giá trị của mình. Trẻ cần được truyền dạy tinh thần phê phán đi đôi với cách trình bày ý kiến phản biện ôn hòa và đề ra giải pháp hữu hiệu. Cha mẹ, người lớn cần truyền bá tinh thần, khêu gợi cảm hứng cho trẻ tôn trọng và thông cảm người khác.
Các tính cách kiên nhẫn, chịu khó, tự giải quyết vấn đề khi gặp trở ngại, có trách nhiệm với bổn phận của mình… cần được trẻ tiếp thu.
Trẻ cũng cần được chỉ bảo và thực hành những kỹ năng như cách trình bày ý kiến rõ ràng và cách lắng nghe người khác, cách tìm và đọc tài liệu, cách chơi với bạn…
Điều quan trọng là trẻ cần được tạo điều kiện vui chơi, tập thể thao, nghệ thuật thay vì nhồi nhét bài vở; được tạo điều kiện quan sát sự vật và sự việc thay vì bị bịt mắt; được đưa đi chơi trong thiên nhiên thay vì bị giam giữa các bức tường; được khuyến khích tạo giao tiếp thực thay vì dán mắt vào màn hình, làm từ thiện thay vì sống ích kỷ…
Tất cả nhằm đào tạo trẻ có tinh thần tôn trọng và yêu người, có trách nhiệm, yêu môi trường thiên nhiên, sống vì người, chan hòa trong xã hội. Lợi ích vô cùng lớn vì sức khỏe xã hội giúp trẻ phát triển thể trạng và trí óc, tiếp thu kiến thức mau chóng, biết tự điều chỉnh và thích nghi.
Đừng để trẻ rơi vào tự ti, nóng nảy, cáu giận, cô độc, trầm cảm… rồi mới quan tâm thì e những tổn thương theo trẻ lâu dài trong tiến trình trưởng thành, tai hại cho sức khỏe xã hội!
“Đào tạo một trẻ em mạnh mẽ dễ hơn sửa một người lớn đã hỏng” (Frederick Douglass)
5.
Người trưởng thành nếu có tuổi thơ được chăm sóc hữu hiệu sẽ phát triển cá tính thích hợp với thiết lập các mối giao tiếp xã hội lành mạnh. Người trưởng thành không có điều kiện đó vẫn có thể là một nhà giao tiếp xã hội xuất sắc. Người trưởng thành có quan sát xã hội, có chiêm nghiệm lẽ được thua cuộc đời sẽ tự rút ra bài học cho chính mình…
Vấn đề là người trưởng thành cần những kỹ năng mềm gì để có sức khỏe xã hội tốt?
Có lẽ ba kỹ năng quan trọng nhất là:
a) Kỹ năng lắng nghe, nghe chăm chú và thể hiện sự quan tâm. Tuyệt đối tránh lơ đãng hay chỉ quan tâm tới vấn đề của mình!
b) Kỹ năng trình bày ý kiến, cảm nhận và cảm xúc một cách rõ ràng và lịch sự.
c) Kỹ năng giải quyết bất đồng ý kiến. Việc giải quyết bất đồng một cách ôn hòa và tôn trọng ý kiến nhau là cách rất tốt duy trì giao tiếp xã hội.
Cần duy trì giao tiếp đã có, nhất là với gia đình và bạn cũ như bạn thời đi học. Đây là nền tảng của giao tiếp xã hội. Thường xuyên tiếp xúc, tạo nhu cầu và cảm giác cần nhau! Cùng lúc tham gia các nhóm giao tiếp mới.
Nên chọn nhóm giao tiếp có cùng lợi ích hay cùng mối quan tâm. Thí dụ một nhà khoa học trước nay thường chỉ giao tiếp trong các nhóm chuyên môn, nay bước sang lĩnh vực văn chương thì giao tiếp thêm với giới viết lách, nghệ sĩ.
Hiện nay nhiều tổ chức xã hội đang tổ chức nhiều cuộc thảo luận, trò chuyện. Tham dự các sự kiện này dù tại chỗ hay trực tuyến đều giúp mở rộng nhóm giao tiếp mới, thêm bạn mới. Lại có những nhóm giao tiếp khiêu vũ, thể thao, cà phê sưu tầm, thời sự… đều rất thú vị.
Về mặt thực hành, có vài điều có thể nhắn nhủ nhau như sau…
Có người ý thức tầm quan trọng của sức khỏe xã hội, nhưng ngại ngần, lo lắng, chỉ nghĩ tới giao tiếp đã thấy “run” rồi. Các bạn nên giao tiếp trong nhóm nhỏ trước, sau lần lần lan sang nhóm đông hơn. Nên tập trình bày ý nghĩ đơn giản trước, lần lần trình bày ý phức tạp sau…
Thực ra vấn đề không rắc rối lắm. Tất cả đi từ tấm lòng muốn kết giao, người quan tâm tới người khác và muốn giúp đỡ người khác chắc chắn là người dễ kết giao. Người luôn lạc quan, yêu đời tỏa năng lượng tích cực ra xung quanh, người ấy chắc chắn nằm trong tầm ngắm của nhiều mối giao tiếp lành mạnh, bền vững.
Đầu xuân bàn về sức khỏe xã hội, một khái niệm gần đây, chúng ta không quên lời nhà hiền triết Hy Lạp Aristotle – người ra đời hai ngàn rưỡi năm trước: “Con người là một sinh vật xã hội”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuoi-tre-suc-khoe-niem-vui-20250124080342891.htm