Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeThời SựĐề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, sản xuất...

Đề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí hiện đại

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó có việc thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng để phát triển vũ khí hiện đại.

Theo dự thảo, tổ hợp công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ chính là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sản xuất vật tư kỹ thuật, sản phẩm và cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất quốc phòng; sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại,…

Bên cạnh đó, tổ hợp công nghiệp quốc phòng còn nghiên cứu, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ lưỡng dụng; chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, đặc biệt là các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược.

Đề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí hiện đại - 1

Hệ thống tên lửa Scud tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng được Nhà nước ưu đãi xây dựng cơ chế thu hút, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, đặc biệt là vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược; tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ được giao,… theo đề xuất của Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, tổ hợp công nghiệp quốc phòng còn đảm nhiệm chức năng nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh; chuyển giao công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, từng bước gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh và thúc đẩy phát triển các nhóm ngành có hàm lượng công nghệ cao.

Dự thảo của Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng gồm: Hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng; các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt không phải là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng; các cơ sở công nghiệp quốc phòng khác; các cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng; các cơ sở công nghiệp động viên.

Theo Bộ Quốc phòng, qua nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tại các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran,… đều có các tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo nhóm chuyên ngành sản phẩm như tổ hợp công nghiệp hàng không – vũ trụ, tổ hợp công nghiệp quốc phòng đóng tàu quân sự,… 

Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng dẫn đến chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh để hình thành nên hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tổ chức, doanh nghiệp nhằm hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật.

Bộ Quốc phòng khẳng định việc xây dựng các quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết nhằm hình thành các tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở nước ta và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai.

Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho các thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động đối ngoại quốc phòng; chương trình đào tạo; hoạt động triển lãm giới thiệu công nghệ trong nước và nước ngoài.

“Đây là các chính sách cần thiết để thu hút được các tổ chức, doanh nghiệp tham gia tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tạo nên sự quy tụ về mặt công nghệ, nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất, … cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm quốc phòng”, Bộ Quốc phòng lý giải.

Dự thảo nghị định cũng đề xuất giao Bộ Quốc phòng xây dựng chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi để thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật và giao cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để triển khai chương trình này.

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương với 86 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

“Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống văn bản

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Bộ Quốc phòng (cơ quan soạn thảo), tổ hợp công nghiệp quốc phòng lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta.

Đây là quy định mới, nhằm thể chế chủ trương, đường lối của Đảng. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết 3 nội dung về tổ hợp công nghiệp quốc phòng, gồm: Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng; chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Đề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí hiện đại - 2

Người dân tham quan khu vực trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 tổ chức cuối tháng 12/2024 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-xay-dung-to-hop-cong-nghiep-quoc-phong-san-xuat-vu-khi-hien-dai-20250121204142245.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay