Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomeThời SựĐèn vàng và rẽ phải

Đèn vàng và rẽ phải

Những ngày đầu năm 2025, quan sát tại các nút giao thông ùn tắc trên địa bàn TPHCM có thể thấy sự trùng hợp giữa việc vận tốc dòng xe giảm đáng kể khi di chuyển tới nơi có đèn tín hiệu giao thông. Điều này cũng đã được phản ánh trong cuộc họp báo tại UBND thành phố ngày 16/1.

Bước đầu, việc bổ sung đèn rẽ phải dành cho xe máy tại một số điểm đã giúp cải thiện khả năng thông hành của xe máy trên các dòng phụ; nhưng tình trạng ùn tắc trên dòng chính vẫn tồn tại, đặc biệt là các nút giao không có đèn đếm ngược.  Dòng xe khi qua nút loại này đều chạy rất chậm lại do sợ dính lỗi đèn vàng.  Việc chạy chậm lại trên dòng chính cũng hạn chế tác dụng của giải pháp cho xe máy rẽ phải.

Đèn vàng và rẽ phải - 1

Những tuyến đường ở TPHCM ùn tắc nghiêm trọng trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2025 (Ảnh: Nam Anh).

Thiết kế đèn tín hiệu màu vàng giúp phương tiện có đủ thời gian dừng lại trước vạch dừng xe cũng như đủ thời gian thoát ra khỏi vị trí cản trở hướng di chuyển có giao cắt trực tiếp.  Thời gian khoảng 3 giây là phù hợp để xe đang tiếp cận nút giao đủ thời gian dừng lại theo vận tốc di chuyển thiết kế; đồng thời giúp xe đã vào giao lộ kịp thoát ra ngoài (với bề rộng ngã giao nhau là 30m và thời gian vượt qua trung bình là khoảng 3 giây).

Ở những điểm có đèn giao thông đếm ngược thì số đếm ngược đã phần nào làm thay vai trò của đèn vàng, khi giúp người lái xe tính toán khả năng vượt giao lộ an toàn mà không gây ùn tắc và mất an toàn ở hướng trực giao và đặc biệt là kịp dừng lại trước vạch. Tuy nhiên, tại các nút giao thông không bố trí đèn đếm ngược, nhiều tài xế có chung tâm lý lo ngại bị bắt lỗi vượt đèn vàng, vì không có đủ thời gian phản ứng và dừng xe trước vạch yêu cầu, dẫn đến xe cán qua vạch sau lúc đèn chuyển vàng.

Thống kê cho thấy thời gian tối thiểu để phản ứng từ khi đèn chuyển màu vàng là khoảng 0,4 giây trong điều kiện tầm nhìn tốt và lái xe tập trung. Để can thiệp cho xe dừng hẳn lại cần từ 0,4 giây (xe đi chậm) tới 0,8 – 1,6 giây khi xe đi nhanh hơn (con số trên còn phụ thuộc cả vào điều kiện mặt đường và chất lượng hệ thống phanh). Quãng đường để xe có thể dừng lại từ lúc đèn chuyển màu vàng trung bình là khoảng 1,5 giây – tương ứng với khoảng cách tới vạch dừng xe từ 12m cho tới 20m tùy vận tốc di chuyển khi vào nút (30km/h cho tới 50km/h).

Thực tiễn trên đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất là người điều khiển phương tiện cần chú ý tuân thủ quy định trong suốt quá trình tham gia giao thông, bao gồm sự tập trung khi tới các nút giao không có đèn đếm ngược để tránh vi phạm quy định về đèn tín hiệu.

Theo quy định hiện hành, tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.

Thứ hai, chúng ta có thể nghiên cứu cân nhắc chỉ bắt lỗi vượt đèn vàng tại các nút giao có đèn đếm ngược đang hoạt động theo quy tắc có thể dự đoán trước thời gian dừng xe (đèn vàng đủ 3 giây và không bị can thiệp thủ công bất ngờ dẫn đến mâu thuẫn giữa tín hiệu đèn và thời gian còn lại).  Còn với những nút giao không có đèn đếm ngược, cần có biện pháp thông báo rõ và hướng dẫn cho người tham gia giao thông để họ tự tin di chuyển phù hợp với tốc độ thiết kế, từ đó cải thiện khả năng thông hành tại các nút giao thông và giảm thiểu ùn tắc trong điều kiện hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn đang quá tải trầm trọng.

Ngoài ra, việc bổ sung đèn rẽ phải cho xe máy cũng cần có giải pháp giúp người đi bộ có thể qua đường an toàn.  Các nút giao thông có nhu cầu đi bộ sang đường cần giữ lại một số pha đèn đỏ rẽ phải ngắt quãng để người đi bộ có thể sang đường hoặc bố trí cầu vượt, đường ngầm.  Các nút giao không còn pha đèn xanh cho người đi bộ sang đường có thể cân nhắc bố trí vạch sang đường ngựa vằn trên đoạn đường thẳng gần đó với đèn tín hiệu vàng nhấp nháy để dòng xe giảm tốc độ.  Đồng thời, cần cảnh báo phương tiện khi rẽ phải ưu tiên nhường đường cho người đi bộ bằng cả biển báo và đèn tín hiệu.

Ý thức người tham gia giao thông đã được cải thiện, nhưng còn nhiều việc phải tiếp tục điều chỉnh từ góc độ tổ chức giao thông, đèn tín hiệu trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Tác giả: TS Nguyễn Ngọc Hiếu là giảng viên Đại học Việt Đức (VGU). Ông là tiến sĩ Quy hoạch Phát triển tại Đại học tổng hợp London và đã có hơn 20 năm nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn về quy hoạch, phát triển đô thị.

Các nghiên cứu gần đây của ông tập trung vào việc sắp xếp thể chế trong phát triển đô thị, các công cụ quy hoạch và giải pháp tích hợp quản lý phát triển, tăng trưởng thông minh, xây dựng sự đồng thuận và chiến lược hợp tác nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn và ngập lụt tại TPHCM cũng như các thành phố lớn khác tại Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/den-vang-va-re-phai-20250122130253092.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay