Thứ ba, Tháng Một 28, 2025
HomeKinh DoanhMua bán hóa đơn làm 'vạ lây' hoàn thuế

Mua bán hóa đơn làm ‘vạ lây’ hoàn thuế

Một email mở gần trăm DN để mua bán hóa đơn

Tại hội nghị tổng kết hoạt động công tác thuế năm 2024 mới đây, Phòng Thanh tra – Kiểm tra 9 Cục Thuế TP.HCM cho biết đã phát hiện một địa chỉ email [email protected] sở hữu 80 doanh nghiệp (DN), trong đó cơ quan thuế đã đóng mã số thuế hơn 60 DN, số còn lại không được xuất hóa đơn (HĐ) và tiến hành các thủ tục đóng mã số thuế. Ngoài ra, có trường hợp DN mới thành lập nhưng xuất HĐ giá trị lớn, kê khai đầu vào – đầu ra không có chênh lệch để né hệ thống cảnh báo của cơ quan thuế. Lại có một số DN thành lập công ty ma qua CCCD thu được từ những vùng xa xôi, hẻo lánh… cũng chỉ nhằm mua bán HĐ bất hợp pháp.

Đó là một trong những hình thức thành lập DN ma mà mục đích chủ yếu chỉ là để mua bán HĐ. Đáng nói, mặc dù việc thành lập DN hiện nay khá dễ dàng nhưng trên một số diễn đàn thuế, tình trạng một số người tìm mua DN khá phổ biến. Theo cơ quan thuế, các đối tượng mua lại các DN, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản; sau đó thay đổi người đại diện pháp luật với mục đích bán HĐ không hợp pháp. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng này thường thành lập một hoặc chuỗi DN, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng CMND, CCCD của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích. 

Các DN kiểu này thường có cùng một địa chỉ hoặc văn phòng ảo, kinh doanh nhiều ngành hàng nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, không có phương tiện vận chuyển và thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế để tránh việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Cũng có trường hợp họ thành lập DN, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, nguyên – nhiên vật liệu…, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc hàng ghi trên các HĐ không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Mua bán hóa đơn làm 'vạ lây' hoàn thuế- Ảnh 1.

Cơ quan thuế đang tăng cường xác minh hóa đơn điện tử

Có thể thấy, có cả ngàn lẻ một chiêu trò mở DN nhằm mua bán bất hợp pháp HĐ giá trị gia tăng (GTGT). Thời gian qua, các vụ án mua bán HĐ bị phát hiện và đưa ra xét xử có quy mô lớn cũng khá nhiều. Đơn cử, TAND TP.HCM vừa xét xử vụ án thành lập 165 DN ma (sử dụng CCCD từ tiệm cầm đồ) mua bán trái phép HĐ với tổng giá trị gần 14.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 100 tỉ đồng. Trước đó, đường dây mua bán HĐ tại Phú Thọ sử dụng 646 DN để bán trái phép hơn 1,025 triệu HĐ cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số gần 64.000 tỉ đồng…

DN hoàn thuế bị vạ lây

Để tránh tình trạng gian lận HĐ, cơ quan thuế tăng cường xác minh HĐ, đặc biệt trong khâu hoàn thuế. Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc xác minh HĐ chống gian lận thuế là điều cần làm, nhưng hiện nay việc phụ thuộc vào HĐ khá nhiều mà chưa có khâu quản lý hiệu quả dẫn đến những hệ lụy. Đó là DN mua HĐ để tăng chi phí, giảm số thuế phải nộp, điều này dẫn đến tình trạng các đường dây thành lập DN ma cung cấp HĐ liên tục xuất hiện. 

Đi cùng theo đó là việc kiểm tra, xác minh HĐ gây chậm hoàn thuế được phản ánh rất nhiều thời gian qua. Việc xác minh HĐ kéo dài khiến nhiều hồ sơ chậm hoàn thuế không biết khi nào mới xong. Theo quy định hiện nay, hồ sơ hoàn thuế trước – kiểm tra sau là 6 ngày, còn kiểm tra trước – hoàn thuế sau là 40 ngày. Thế nhưng quy trình xác minh HĐ trong nội bộ ngành thuế không theo đúng thời gian này, cơ quan thuế không trả lời, dẫn đến việc chậm hoàn thuế. Một số hồ sơ hoàn thuế rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi cơ quan thuế xác minh đơn vị bán hàng mà không liên lạc được, hay DN là F2 đã giải thể không xác minh được HĐ… cũng rơi vào tình trạng chậm hoàn thuế.

“Việc xác minh HĐ nhằm chống thất thu thuế là điều cần làm, nhưng việc chống gian lận này cũng khiến khâu xác minh hoàn thuế kéo dài, nhiều DN rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không được hoàn thuế, thì cũng cần xem lại. Đặc biệt, có những HĐ có mã của cơ quan thuế nhưng vẫn thuộc diện phải xác minh thì cũng cần xem lại”, ông Trần Xoa nói thẳng.

Theo luật sư Trần Xoa, thời buổi công nghệ phát triển mạnh, cơ quan chức năng cần nghiên cứu có cách nào tránh rủi ro cho phía DN khi nhận HĐ đầu vào. Bởi thời điểm DN nhận HĐ đó thì DN vẫn còn hoạt động. Một thời gian sau đối tác không còn hoạt động thì làm sao DN biết được. Đó là chưa kể sắp tới, quy định mới về hoàn thuế là người bán phải nộp thuế GTGT thì người mua mới được hoàn thuế sẽ càng khó khăn cho DN.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận xét, thời gian qua cơ quan thuế bỏ chi phí hiện đại hóa quản lý rất nhiều. Trong đó HĐ điện tử qua cổng xác thực, HĐ của DN phải có mã của cơ quan thuế, với tham vọng kiểm tra được HĐ đầu vào – đầu ra. Thế nhưng lượng HĐ quá nhiều nên rất khó có thể biết đâu là HĐ thật, đâu là giả khi không có công cụ phòng ngừa rủi ro. Thêm vào đó, số tiền hoàn thuế hiện nay rất lớn, lên 10% tổng số thu ngân sách. Đây là mảnh đất béo bở cho tội phạm nên cần rất thận trọng khi xác minh hồ sơ hoàn thuế. Không thể để tình trạng chậm hoàn thuế vẫn diễn ra, còn hoạt động mua bán HĐ cũng tràn lan.

“Cần đổi mới tư duy trong hoàn thuế. Nếu cứ xem HĐ là tiền thì không đúng với chế độ kế toán. HĐ chỉ là một trong những chứng từ thanh toán nên cần xem lại hồ sơ đó có đầy đủ hợp đồng không, có hàng thật không và có chuyển tiền thanh toán không. Việc xác minh HĐ từ F1, F2, F3… để quyết định hồ sơ hoàn thuế là không cần thiết, ai sai thì người đó chịu trách nhiệm. Ở đây, việc quản lý HĐ cần có công nghệ cao để có thể thực hiện đối chiếu, xác minh nhanh trong quản lý thuế”, ông Nguyễn Ngọc Tú nói và nhấn mạnh: “Quy định thành lập DN thời gian qua khá thông thoáng nên cần có những quy định chặt chẽ hơn, cần định danh được người thành lập DN, tránh tình trạng mượn hay lấy CCCD của người khác để thành lập DN. Việc này cũng sẽ truy xuất thông tin được dễ hơn. Hơn nữa, cũng cần quy trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan chức năng nào quản lý DN từ sau thành lập đến khi giải thể; từ đó mới tránh được tình trạng DN ma mua bán HĐ”.

Hàng trăm ngàn HÓA ĐƠN bất hợp pháp bị phát hiện

Cục Thuế TP.HCM cho biết trong 11 tháng của năm 2024 đã rà soát và xử lý các DN sử dụng 168.746 HĐ bất hợp pháp, tổng số tiền thuế đã điều chỉnh, truy thu và phạt là 726,8 tỉ đồng, giảm khấu trừ 191,2 tỉ và giảm chi phí 2.386 tỉ đồng. Thực hiện đối chiếu dữ liệu tờ khai thuế GTGT, qua đó đã yêu cầu 7.088 người nộp thuế có hành vi kê khai sai hóa đơn với số thuế GTGT đầu ra và đầu vào thực hiện điều chỉnh là 3.670 tỉ đồng. Còn đối với vận hành chức năng cảnh báo tự động xuất HĐ vượt ngưỡng rủi ro, qua đó đã xử lý đối với 9.769 người nộp thuế có hệ số K (chỉ số đánh giá rủi ro tự động giúp cơ quan thuế nhận diện nhanh chóng các dấu hiệu bất thường trong việc phát hành HĐ điện tử) vượt ngưỡng cảnh báo.


Nguồn: https://thanhnien.vn/mua-ban-hoa-don-lam-va-lay-hoan-thue-185241226231937464.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay