Hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu gây ra bởi việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch cũng là nguyên nhân khiến sáu triệu người chết mỗi năm. Những con số đáng lo ngại này cho thấy tính cấp thiết của việc hạn chế sự phụ thuộc vào loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để phục vụ mục tiêu phát triển, sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế được xem là xu thế tất yếu.
Tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030 là cam kết được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cuối năm 2023. Nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng nêu trên, nhiều quốc gia tăng tốc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, bền vững hơn. Minh chứng rõ nét nhất là đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch toàn cầu năm 2024 ước tính đạt 2.000 tỷ USD, gấp đôi con số dành cho năng lượng hóa thạch.
Với hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch, Liên minh châu Âu (EU) đạt được những bước tiến đáng kể, với khoảng 50% lượng điện hiện đến từ năng lượng tái tạo.
Dù đánh giá cao những thành quả nêu trên, song Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol vẫn chỉ ra sự không đồng đều trong bức tranh chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Theo ông Birol, phần lớn các khoản đầu tư chảy về các nền kinh tế phát triển, trong khi chỉ có phần nhỏ hướng đến các quốc gia chiếm tới 60% dân số toàn cầu. Với hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch, Liên minh châu Âu (EU) đạt được những bước tiến đáng kể, với khoảng 50% lượng điện hiện đến từ năng lượng tái tạo. Trong khi đó, châu Phi khó có thể tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào khi chỉ nhận được 2% tổng đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu. Một điều còn đáng lo ngại hơn là khoảng 685 triệu người trên thế giới, chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara, vẫn chưa được tiếp cận điện.
Tại Davos (Thụy Sĩ), Giám đốc điều hành IEA và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa qua ra mắt Diễn đàn Chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Ðây là nơi để các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ mục tiêu chung là duy trì đà chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm và thu hút nguồn lực. Chủ tịch EC nêu rõ, mục tiêu của diễn đàn chính là mang năng lượng sạch đến với những cộng đồng cần nhất, không chỉ ở châu Phi mà trên toàn cầu. Bà Leyen khẳng định, EU giữ vững lập trường và sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng.
Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện vì lợi ích của con người và hành tinh, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 26/1 làm Ngày quốc tế năng lượng sạch. Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch chắc chắn sẽ khép lại. Ông Guterres cũng cho biết, năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ lần đầu trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất thế giới trong năm 2025. Ðưa ra những tín hiệu tích cực nêu trên, ông Guterres kêu gọi các quốc gia nỗ lực bảo đảm tiến trình chuyển đổi năng lượng diễn ra công bằng. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, các quốc gia cần cố gắng tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, các ngân hàng phát triển đa phương cần rót nguồn lực vào cuộc cách mạng năng lượng tái tạo ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần dẫn đầu nỗ lực chuyển đổi năng lượng toàn cầu, song cũng nhấn mạnh đây là trách nhiệm chung của tất cả quốc gia. Như lời kêu gọi của ông Guterres, hợp tác đa phương chính là một trong những nhân tố cốt lõi để có thể cùng hướng tới kỷ nguyên năng lượng sạch.
Nguồn: https://nhandan.vn/huong-toi-ky-nguyen-nang-luong-sach-post857792.html