Theo Financial Times, cuộc trò chuyện được nhắc đến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen diễn ra vào tuần trước, trước khi ông Trump nhậm chức và bàn về Greenland.
Tờ báo này dẫn lời 5 quan chức cấp cao hiện tại và trước đây của châu Âu rằng cuộc trò chuyện kéo dài 45 phút giữa 2 nhà lãnh đạo “thật kinh khủng”.
Một người cho biết: “Ông ấy rất kiên quyết. Đó là một cơn mưa đá. Trước đây, thật khó để coi trọng ý tưởng này. Nhưng tôi nghĩ rằng hiện thời nó nghiêm trọng và có khả năng rất nguy hiểm”.
Một người khác được biết về cuộc gọi đã nói thêm: “Mục đích rất rõ ràng. Họ muốn điều đó. Người Đan Mạch đang trong tình trạng khủng hoảng”; trong khi một người khác nói “Người Đan Mạch hoàn toàn hoảng sợ vì điều này”.
Theo một cựu quan chức Đan Mạch, cuộc gọi là “cuộc trò chuyện rất gay gắt” trong đó ông Trump “đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể đối với Đan Mạch như áp thuế quan có mục tiêu”.
Ông Trump trước đây đã nói rằng Mỹ cần kiểm soát Greenland và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để tiếp quản lãnh thổ này.
Trong một cuộc họp báo cách đây vài tuần, ông Trump đã nói rằng Mỹ cần Greenland “để đảm bảo an ninh kinh tế”
Phát biểu với TV 2 vào đầu tháng này, Thủ tướng Frederiksen cho biết vùng lãnh thổ tự trị này “không phải để bán” và nói thêm: “Dưới lăng kính của chính phủ Đan Mạch, Greenland thuộc về người dân Greenland”.
Trong một diễn biến khác, đài RT dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh châu Âu (EUMC), Robert Brieger hôm 25-1 rằng Liên minh châu Âu (EU) nên triển khai lực lượng quân sự tại Greenland.
Tướng Brieger lý giải tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Greenland và “căng thẳng” với Nga và Trung Quốc là tiền đề cho đề xuất của mình.
Dường như ám chỉ đến căn cứ quân sự lớn của Mỹ hiện diện trên hòn đảo Bắc Cực này từ năm 1940, ông Brieger tiếp lời: “Bên cạnh việc triển khai quân đội Mỹ ở Greenland như trước nay, sẽ rất hợp lý khi cân nhắc triển khai quân đội EU ở đó trong tương lai”.
Ông cho rằng đợt triển khai như vậy sẽ “gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ và có thể góp phần vào sự ổn định trong khu vực”.
Vị tướng này cũng cho biết mặc dù lãnh thổ tự trị của Đan Mạch không phải là một phần hợp pháp của khối nhưng “người châu Âu – giống như Mỹ – có lợi ích ở Greenland”.
Ông Brieger nhắc đến các mỏ nguyên liệu thô phong phú trên đảo và vị trí gần các tuyến thương mại quốc tế, gọi đây là khu vực “có tầm quan trọng lớn xét về mặt địa chính trị”, “có liên quan cao xét về mặt chính sách an ninh”.
Đề cập đến các tuyên bố của Mỹ liên quan đến Greenland gần đây, Chủ tịch EUMC cho biết ông mong đợi Washington tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác và Hiến chương Liên hợp quốc.
Ông cũng nhắc đến “căng thẳng tiềm tàng với Nga và có thể là Trung Quốc” trong khu vực nếu các chỏm băng vùng cực tiếp tục tan chảy do biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://nld.com.vn/tong-thong-trump-dien-dam-gay-gat-voi-thu-tuong-dan-mach-196250126081116658.htm