Thứ ba, Tháng hai 4, 2025
HomeĐời SốngĐổ Giàn, lễ hội tôn vinh tinh thần thượng võ

Đổ Giàn, lễ hội tôn vinh tinh thần thượng võ

NHIỀU TAY VÕ SĨ CÓ NGHỀ TRANH HEO…

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng lễ hội Đổ Giàn hình thành ở làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) từ rất lâu. Những nét đặc sắc của lễ hội này đã thấm sâu vào đời sống tinh thần cộng đồng qua ca dao: “Đồn rằng An Thái, chùa Bà/Làm chay, hát bội đông đà quá đông/Đàn bà cho chí đàn ông/Xem xong ba ngọ, lại trông Đổ Giàn…”, “Rủ nhau đi hội Đổ Giàn/Ngày rằm tháng bảy đò ngang chật đò/Trắng phau đôi cánh con cò/Hội Giàn vui lắm, trễ đò uổng công…”, hay “Nghe đồn An Thái, Bình Khê/Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo”… Sách Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa dân tộc, xuất bản năm 2000) giới thiệu 211 lễ hội cổ truyền Việt Nam, trong đó Đổ Giàn là 1 trong số 20 lễ hội ở Duyên hải Trung bộ.

Đổ Giàn, lễ hội tôn vinh tinh thần thượng võ- Ảnh 1.

Hàng ngàn người đến xem lễ hội Đổ Giàn tại chùa Ngũ bang Hội quán năm 2005

Theo các cụ cao niên làng An Thái, lễ hội Đổ Giàn thường được tổ chức từ ngày 14 – 16.7 âm lịch các năm Tỵ, Dậu, Sửu (chu kỳ tam hạp, 4 năm tổ chức 1 lần) nhằm cầu an, cầu phồn thịnh, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và khơi dậy tinh thần thượng võ trong các thế hệ người dân địa phương. Trong đó, tục đổ giàn, tranh giành heo quay giữa các võ đường là màn tranh tài hấp dẫn, được chờ đợi nhất trong lễ hội này. Ngày xưa, tục đổ giàn không hạn chế số lượng võ đường tham dự nên có nhiều võ đường từ các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai cũng tham gia, riêng ở Bình Định có khi hơn 10 võ đường.

Những người cao tuổi nhất ở làng An Thái chỉ được xem lễ hội Đổ Giàn các năm 1933 (Quý Dậu), 1937 (Đinh Sửu), 1941 (Tân Tỵ) được tổ chức tại chùa Ngũ bang Hội quán. Những năm về sau, do đất nước có chiến tranh, hội Đổ Giàn không thực hiện được và dần mai một. Sau 64 năm bị gián đoạn, lễ hội Đổ Giàn được khôi phục vào năm 2005 rồi lại gián đoạn cho đến nay.

QUYẾT GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG DANH DỰ

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định (nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định), cho rằng quá trình hình thành và địa điểm tổ chức lễ hội Đổ Giàn gắn với các hoạt động của chùa An Hòa (chùa Bà Trước, khai sơn năm 1760), chùa Bà Hỏa (chùa Bà Sau, khai sơn năm 1847), chùa Ngũ bang Hội quán (xây dựng năm 1873), chùa Ông (khai sơn năm 1919). Lễ hội Đổ Giàn có nhiều nghi thức như: rước nước, rước cỗ, rước Phật, rước đèn múa lân, rước hương, rước thập bát ban binh khí võ cổ truyền, rước cờ lộng, lễ chay, chưng cộ đất, biểu diễn hát bội, bài chòi dân gian và hội xô cổ đổ giàn…

Dụng cụ được người làng An Thái dùng để thực hiện nghi thức rước thập bát ban binh khí võ cổ truyền tại lễ hội Đổ Giàn.jpg

Dụng cụ được người làng An Thái dùng để thực hiện nghi thức rước thập bát ban binh khí võ cổ truyền tại lễ hội Đổ Giàn

Vào buổi chiều thứ 3 của lễ hội Đổ Giàn (thường là ngày 16.7 âm lịch), tại nơi diễn ra hội xô cỗ đổ giàn, ban tổ chức dựng một đàn bằng tre, cao khoảng chục mét, trên đó đặt hương, hoa, trà, quả và con heo quay. Sau nghi thức cúng lễ, vị chủ tế (thường chọn những người giỏi võ, có uy tín trong cộng đồng) trên giàn cao phát lệnh nổi 3 hồi chiêng trống báo hiệu cuộc tranh tài sắp diễn ra. Lúc này, trong đám đông bên dưới, người già, phụ nữ và trẻ con giãn ra vòng ngoài, những toán võ sĩ đại diện cho các võ đường tham gia tranh tài đã sẵn sàng, mắt hướng về phía giàn cao, chờ đợi…

Vị chủ tế trịnh trọng bê con heo quay rồi dùng sức tung ra xa để rơi xuống đất. Các võ sĩ dùng tài nghệ phi thân lên đón lấy rồi luồn lách, lao ra khỏi đám đông để mang heo quay về địa điểm an toàn đã định. Mỗi toán võ sĩ tranh tài đều phân công người tham gia tranh heo, người bảo vệ, cản ngăn các đối thủ có thể giật lại heo… Trong cuộc tranh tài này, các võ sĩ dùng tất cả ngón võ, chiến thuật để giành chiến thắng. Nhóm võ sĩ giành phần thắng trong hội xô cỗ đổ giàn được mọi người hoan nghênh, nể trọng vì đã mang vinh quang, uy tín về cho võ đường của mình. Những lò võ ở làng An Thái và huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) hay giành được heo quay vì có nhiều võ sĩ giỏi.

“Thắng thua trong tranh đấu là lẽ thường tình. Các võ sư vẫn thường xuyên nhắc nhở võ sĩ không vì mục đích giành phần thắng mà sử dụng thủ đoạn trong thi đấu. Đã là võ sư, võ sĩ, phải đặt chữ “tâm”, “nhẫn”, “thiện”, “đạo” lên hàng đầu, phải quyết giành chiến thắng trong danh dự, phải biết học hỏi kỹ năng, kỹ xảo giao chiến của đối phương trong từng trận đấu để liên tục bổ sung kinh nghiệm cho bản thân… Có như thế mới góp phần nâng cao năng lực bản thân và uy tín võ đường, từ đó đề cao tinh thần thượng võ của cha ông”, ông Ngọc nói.

Le hoi do gian 2.jpg

Các toán võ sĩ trổ tài tranh “tranh heo” tại lễ hội Đổ Giàn

Le hoi do gian 5.jpg

Giới trẻ tham gia các hoạt động khôi phục lễ hội Đổ Giàn năm 2005

Ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa – gia đình, Sở VH-TT tỉnh Bình Định, cho rằng chuyện “tranh, cướp” có trong nhiều lễ hội cổ truyền ở Việt Nam như: tranh hoa tre, cướp phết, giành ấn… Màn tranh, cướp đặt trong cách nói của làng xưa mang yếu tố vui vẻ của hội hè, một biểu trưng của sự tranh đua, thi thố võ nghệ, có thể hiểu như một trò chơi, qua đó tạo ra sự giao lưu, tương tác trong sinh hoạt cộng đồng. Riêng hiện tượng “tranh, cướp” trong hội Đổ Giàn chỉ gói gọn đối tượng tham gia là những người biết võ nghệ, tất cả võ sĩ tham gia đều tập trung tinh thần, quyết tâm thể hiện tính thượng võ trong biểu diễn võ thuật để được cỗ heo trang trọng nhất và lá phướn danh dự.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Dự, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM, hội xô cỗ đổ giàn ở Bình Định hay hội thí giàn ở Bạc Liêu đều được tổ chức dịp trung tuần tháng bảy âm lịch, đều có các hoạt động mang màu sắc Phật giáo. Tuy nhiên, ngoài phần lễ gắn với các nghi thức Phật giáo, phần hội xô cỗ đổ giàn tại lễ hội Đổ Giàn lại gắn liền với truyền thống hiếu võ của người dân An Thái. Vì vậy, ngoài tập tục làm chay thí giàn của nhà chùa, có thể lễ hội Đổ Giàn ra đời để tạo cơ hội rèn luyện võ thuật, để các võ đường ở địa phương thi đua phát triển nhân tài võ thuật.

Đề xuất lập hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Các cơ quan chức năng thị xã An Nhơn và Sở VH-TT tỉnh Bình Định đang trao đổi với các nhà nghiên cứu để thống nhất từng ý tưởng khôi phục, thực hành lễ hội Đổ Giàn, đồng thời có ý kiến đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương lập hồ sơ khoa học di sản, đề nghị ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện UBND thị xã An Nhơn đã giao Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thông thị xã An Nhơn phối hợp với UBND xã Nhơn Phúc tổ chức lễ hội Đổ Giàn năm 2025.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn

Nguồn: https://thanhnien.vn/do-gian-le-hoi-ton-vinh-tinh-than-thuong-vo-185250106175403227.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay