Thứ sáu, Tháng hai 7, 2025
HomeThời SựTrình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 đạt 8%...

Trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

Sáng 7-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ năm 2025, việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu sẽ bù lại cho các năm trước đó. Mặt khác, 2025 cũng là năm tăng tốc, về đích.

Tuy nhiên, ông Thanh đánh giá bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, cần đánh giá để tìm ra cơ hội mới cho tăng trưởng 8% trở lên. Ông đặt vấn đề: Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu theo tinh thần đổi mới, tăng trưởng 8% trở lên, CPI ở mức 4,5- 5%, vậy biện pháp thế nào để kiểm soát lạm phát?

Mặt khác, có thể phải huy động thêm các nguồn lực thì phải tháo trần nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng vượt cảnh báo khoảng 5% GDP, vậy cần thêm nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt hơn ra sao?

Tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%

Trước đó, tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Đây sẽ là nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 18-2 tới đây.

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2024), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên mục tiêu tăng trưởng
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Đây cũng là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành, chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025 cũng được Chính phủ nêu tại Tờ trình. Điều kiện để thực hiện kịch bản này, theo Chính phủ, cần tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để.

Đồng thời, hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Chính phủ cũng cho rằng cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, TP lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.

“Có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương” – tờ trình nêu.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM

Tại tờ trình gửi tới Quốc hội, Chính phủ nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt ít nhất 8%. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, pháp luật, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, về thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo, về thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch, về xuất khẩu….

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán, có cơ chế, chính sách đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực từ bên ngoài.

Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.

Về thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, Chính phủ xác định triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…

Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới đã được Quốc hội cho phép áp dụng…

18 tỉnh, thành được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng từ 10% trong năm 2025
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/trinh-quoc-hoi-dieu-chinh-chi-tieu-gdp-nam-2025-dat-8-tro-len-post833140.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay