Con tôi 4 tuổi, ăn nhiều bánh kẹo và tinh bột, uống nước ngọt dịp Tết. Tôi nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sau Tết cho bé thế nào? (Ngọc Mỹ, TP HCM)
Trả lời:
Trẻ thường ăn nhiều kẹo, bánh, hạt, các loại đồ chiên rán dịp Tết dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, biếng ăn. Vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ rất cần thiết. Cha mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây.
Bổ sung rau củ và trái cây: Cha mẹ nên thêm rau xanh, các loại củ và trái cây vào thực đơn hàng ngày của bé. Các loại thực phẩm như rau bina, cải bó xôi, cải bắp, su hào, cà rốt, khoai lang, quả mâm xôi, táo, lê giàu vitamin, chất chống oxy hóa, cung cấp nhiều nước, chất xơ, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Chất beta-carotene trong các loại rau củ màu vàng, cam, cùng với genistein và isoflavone trong đậu tương, đậu phụ, lycopen trong cà chua, dưa hấu, mơ, bưởi cũng rất có lợi cho sức khỏe. Cha mẹ nên chế biến thực phẩm đơn giản như hấp, luộc hoặc nấu canh, hạn chế các món chiên, xào để giảm lượng chất béo không cần thiết.
Giảm các món chiên xào, nhiều muối: Bé nên hạn chế thực phẩm nhiều đạm, chất béo hoặc được tẩm ướp nhiều gia vị như tiêu, tỏi. Những món ăn này thường chứa nhiều muối (natri), gây hại cho sức khỏe.
Tăng cường thực phẩm chứa lợi khuẩn: Sử dụng các loại thực phẩm chứa lợi khuẩn, tốt cho hệ miễn dịch cũng quan trọng. Ba mẹ nên cho trẻ ăn sữa chua, phô mai, bơ và chuối để bổ sung lợi khuẩn probiotic và prebiotic, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, hỗ trợ sức khỏe đường ruột, nâng cao khả năng miễn dịch.
Duy trì uống đủ sữa và đủ nước mỗi ngày: Trẻ tiếp tục cần uống đủ sữa theo tư vấn của bác sĩ, trung bình khoảng 500-700 ml sữa mỗi ngày, uống đủ nước trong ngày.
Xây dựng thực đơn cân bằng, đủ chất: Phụ huynh nên đảm bảo rằng mỗi bữa ăn của trẻ đều đa dạng nhóm thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo lành mạnh và rau xanh. Phụ huynh có thể cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sau Tết giúp trẻ duy trì mức năng lượng ổn định, học tập tốt, ngăn ngừa các bệnh theo mùa.
Nếu trẻ vẫn có dấu hiệu lười ăn, chán ăn kéo dài hoặc không tăng cân, ba mẹ cần đưa bé đi khám dinh dưỡng. Bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC, xác định trẻ đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Những trẻ lớn có thể được đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp, tăng cường sức đề kháng.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/tre-an-uong-the-nao-sau-tet-4845623.html