Sau 1 tháng triển khai nghị định 168, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 327.349 trường hợp vi phạm; tước 27.820 bằng lái các loại; 28.762 giấy phép lái xe bị trừ điểm. Đồng thời, trên 95.000 xe cộ đã bị tạm giữ.
So với thời gian trước liền kề, số vi phạm bị xử phạt giảm 48.160 trường hợp (-12,8%). Trong đó vi phạm nồng độ cồn giảm 13%; vi phạm tốc độ giảm 2,1%; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông giảm mạnh 36,7%; vi phạm về mũ bảo hiểm giảm 23,8%…
Cơ quan này đánh giá việc xử lý vi phạm đã giảm đáng kể so với thời gian trước liền kề, cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã được nâng cao, tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông. Đồng thời, cùng thời điểm trên, tai nạn giao thông cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Một số bạn đọc đặt câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online về việc mức phạt tăng, bên cạnh việc giúp nâng cao ý thức người dân thì còn có nguy cơ xuất hiện tình trạng người vi phạm bỏ xe, không đến giải quyết vụ việc.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, việc này đã được pháp luật quy định rõ ràng, chặt chẽ.
Tại điểm d, khoản 2, điều 43 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký, đăng kiểm xe vi phạm.
Đồng thời, khoản 4, điều 62 của luật này cũng quy định sẽ chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Như vậy, đối với xe vi phạm chưa giải quyết nộp phạt sẽ không được đăng kiểm, đăng ký. Đồng thời, tài xế vi phạm cũng sẽ không được cấp lại, đổi bằng lái.
Đáng chú ý, khi bị tạm giữ giấy phép lái xe, trên hệ thống quản lý của cảnh sát giao thông cũng sẽ cập nhật về tình trạng giấy phép lái xe bị tạm giữ. Nếu người vi phạm không đến xử lý thì sẽ không có quyền điều khiển xe cộ tham gia giao thông. Nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.
Trường hợp đủ thời gian đảm bảo theo quy định của pháp luật, lực lượng chức năng sẽ lập hội đồng sung công và bán thanh lý phương tiện theo quy định, nộp tiền vào ngân sách. Việc tạm giữ phương tiện để xác minh và ra quyết định xử phạt, ngăn chặn vi phạm khẩn cấp, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Trong thời hạn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-xe-khong-toi-xu-ly-vi-pham-giao-thong-se-khong-duoc-cap-doi-bang-lai-20250207120045797.htm