Diệt tham nhũng là việc cần kíp
“Sâu dân, mọt nước” như loài gặm nhấm tàn hại hoa màu của nông dân, thế nên đời sau khi đề cập nạn này, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ví với loài chuột đục khoét trong bài Tăng thử (Ghét chuột) với những lời phê phán đanh thép: “Con chuột lớn kia sao mày bất nhân,/Vụng trộm thêm nhiều âm mưu độc hại./Đồng nội có mạ khô,/Kho đụn không thóc thừa./Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn,/Đói và gầy, trên ruộng đồng kêu khóc”.
Các vua nhà Lê nhận thức rõ sự nguy hại của tham nhũng. Mới lên ngôi hoàng đế năm Mậu Thân (1428), Lê Thái Tổ lệnh cho quần thần kiểm kê ruộng đất, của cải ngụy quan để sung công. Vua lo lắng lúc giao thời “tranh tối tranh sáng” có thể có việc “biếm công vi tư” nên răn đe: “Nếu ai giấu giếm, hoặc chiếm của công làm của tư, biến không làm có thì xử tội đồ hoặc lưu, biếm chức hoặc bãi chức”.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tham nhũng như loài chuột đục khoét- Ảnh 1. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tham nhũng như loài chuột đục khoét- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Tham-nhung-nhu-loai-chuot-duc-khoet.jpg)
Lê triều hình luật (tức Quốc triều hình luật) có nhiều điều khoản nghiêm trị tội tham ô, hối lộ
Thời Lê sơ, ngoài cảnh thịnh trị thường thấy, cũng có lúc xảy ra mất mùa, lụt lội, hạn hán. Trong những nguyên nhân gây nên thiên tai, vua Lê đều điểm tới tham nhũng. Chiếu năm Mậu Ngọ (1438) của vua Thái Tông đặt vấn đề: “Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái?”, Cương mục chép; chiếu tự trách mình của vua Nhân Tông năm Kỷ Tỵ (1449): “Hay là nạn hối lộ thịnh hành […] Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo bóc lột chăng? Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng?”…
Cũng bởi nhận thức sự nguy hại của tham nhũng đối với dân với nước nên các vua nhà Lê sơ chú trọng diệt trừ. Năm Nhâm Thân (1452) khi có hạn hán, mùa màng thất bát, vua Lê đã có chiếu đề cập những việc nên làm là “dùng người tài giỏi liêm khiết, thải bỏ bọn tham nhũng”, Toàn thư ghi.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tham nhũng như loài chuột đục khoét- Ảnh 2. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tham nhũng như loài chuột đục khoét- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738970767_563_Tham-nhung-nhu-loai-chuot-duc-khoet.jpg)
Khu di tích lưu niệm danh nhân Quách Đình Bảo, người kiến nghị vua Lê xem tham nhũng là trọng tội
Tham nhũng ngang hàng tội thập ác
Đối với nhiệm vụ xử lý nạn tham nhũng, vua quan nhà Lê sơ rất quyết liệt, xem là việc cấp bách. Quốc triều hình luật quy định tội Thập ác (10 tội không thể ân xá) thì tội tham nhũng, hối lộ, triều đình kiên quyết khi xử lý. Năm Quý Mão (1483) vua Lê Thánh Tông theo lời tâu của Phó đô ngự sử Quách Đình Bảo xếp tội này ngang với tội đại ác, đại nghịch, phản bội, trộm cướp, xui kiện, hống hách, gian dâm, cố ý giết người đều không được dự các kỳ ân xá. Điều đó cho thấy tham nhũng là một trọng tội trong sự nhìn nhận của nhà Lê sơ.
Điều 5 Chương Danh lệ của Quốc triều hình luật quy định hoàng thân quốc thích phạm tội chết thì làm bản tấu để vua xét. Nhưng nếu họ phạm vào “tội thập ác, giết người, gian dâm, trộm cắp trong cung cấm, ăn hối lộ làm trái phép, thì không theo luật này”, cho thấy tội tham nhũng không phân biệt đối tượng. Năm Kỷ Tỵ (1449), Chuyển vận phó sứ Lương Tông Ký ăn hối lộ bị khép vào tội chém, đồng liêu xin tha chết nhưng Thái úy Lê Khả khi xử không khoan nhượng: “Ăn trộm của một nhà còn không thể tha thứ, huống hồ Ký lại ăn trộm của cả một huyện”. Sắc dụ của vua Lê Thánh Tông năm Giáp Ngọ (1474) cho quan lại nhắc rõ: để loại bỏ tệ mua quan bán tước thì phải dùng luật lệ nghiêm cấm triệt để.
Nhiệm vụ phát hiện tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà là của tất cả mọi người, hiểu rộng hơn là nhân dân. Nhiều điều luật, điển chế thời Lê sơ quy định các mức ban thưởng cho người phát hiện, tố cáo tội hối lộ hoặc tham ô. Điều 31 Chương Điền sản trong Quốc triều hình luật ghi về người đứng ra tố cáo việc quan dân tham ô ruộng đất, “người tố cáo đúng sự thực, thì được 2 phần 10 số ruộng tố cáo”.
Nhiều vua nhà Lê sơ xem diệt trừ tham nhũng là một trong những nhiệm vụ bức thiết để đem lại sự yên bình cho dân, cho nước. Vua Lê Hiến Tông xem việc trừng trị bọn tham quan, ô lại là một trong những việc phải làm khi “chăm chắm roi vọt răn đe, ngăn ngừa tư thông đút lót”. Bởi vậy mà ngài “đặc cách ban bố điều khoản mới, yêu cầu trừ bỏ thói quen xưa (thói tham ô, nhận hối lộ – người dẫn). Người nào biết thể theo ý trẫm, không bất lương thì được thưởng hậu để nêu khen; kẻ nào quen giữ thói cũ, không nghe lời răn dạy, thì phạt nặng để trừng trị”.
Đến như Lê Tương Dực vì lo sợ tệ nạn nảy sinh nhiều, phải ban hành Trị bình bảo phạm giáo hóa dân chúng. Trong đó những việc mua quan bán tước, làm lợi riêng, dựa quyền thế nhũng nhiễu dân, chạy chọt cầu may, thi cử có gian lận… đều bị trị tội nặng. Cũng thời Lê Tương Dực, 14 kế sách trị bình của Lương Đắc Bằng dâng vua có tới 3 kế sách diệt tham nhũng mà theo Lịch triều hiến chương loại chí gồm: “Bỏ kẻ tà nịnh để trọng nguồn phong hóa”; “Tuyển bổ công bằng để đường làm quan được trong sạch”; “Cấm hối lộ để bỏ thói gian tham”. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân,
mọt nước” – NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-tham-nhung-nhu-loai-chuot-duc-khoet-18525020720232832.htm