Thứ tư, Tháng hai 12, 2025
HomeThế GiớiKinh tế châu Á trước sức ép Mỹ leo thang thương chiến

Kinh tế châu Á trước sức ép Mỹ leo thang thương chiến

Reuters đưa tin hôm qua (10.2), giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép châu Âu lẫn châu Á phần lớn đã giảm do tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với thép và nhôm.

Trước đó, ngày 9.2 (theo giờ Mỹ), ông Trump thông báo sẽ áp thuế 25% đối với tất cả nhôm, thép nhập khẩu từ bất cứ quốc gia nào. Mức thuế này sẽ đi kèm với thuế sẵn có đối với các mặt hàng kim loại.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên (1997 – 2021), Tổng thống Trump đã áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu. Nhưng sau đó, Mỹ miễn thuế cho một số đối tác thương mại lớn, trong đó có Canada, Mexico và Brazil. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, hạn ngạch miễn thuế được mở rộng cho Anh, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Trump tuyên bố toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu sẽ chịu thêm thuế quan 25%

Không chỉ là Trung Quốc “dính đòn”

Động thái mới của ông Trump diễn ra trong bối cảnh nhiều thành viên EU gửi đi thông điệp sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”. AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ đối với châu Âu sẽ làm tăng lạm phát cho chính người dân Mỹ. Ông Macron còn tuyên bố sẵn sàng đối đầu với ông Trump trong cuộc thương chiến. Tương tự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc tranh luận trước một đối thủ chính trị trên truyền hình ngày 9.2, cũng tỏ rõ tâm thế không khoan nhượng. Khi được hỏi liệu EU có sẵn sàng đáp trả nếu bị Mỹ tăng thuế hay không, Thủ tướng Scholz tuyên bố: “Vâng… Chúng tôi với tư cách là EU có thể hành động trong vòng một giờ”.

Kinh tế châu Á trước sức ép Mỹ leo thang thương chiến- Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất ở một nhà máy thép của Trung Quốc

Cùng ngày 10.2, các biện pháp thuế quan của Trung Quốc đáp trả Mỹ cũng đã có hiệu lực. Trước đó, ở “loạt đạn” đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc cùng với Canada và Mexico bị Mỹ tăng thuế hàng hóa. Vừa qua, ông Trump đã tăng thuế thêm 10% đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc. Đáp trả lại, từ ngày 10.2, Trung Quốc tăng thuế đối với một số loại than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, dầu thô, máy móc nông nghiệp… của Mỹ. Theo CNN, các loại hàng hóa của Mỹ với tổng trị giá khoảng 13,86 tỉ USD bị “trúng đòn” trả đũa của Trung Quốc lần này. Động thái đáp trả của Trung Quốc và những thông điệp từ EU khiến giới quan sát lo ngại thương chiến có thể sớm lan rộng.

Trong khi đó, tờ The Washington Post có bài nhận định quyết định mới của Tổng thống Trump về thuế đối với nhôm và thép tác động không nhỏ đến Trung Quốc. Cụ thể, tuy không nằm trong nhóm đầu danh sách các nhà xuất khẩu nhôm, thép trực tiếp vào Mỹ, nhưng Trung Quốc thời gian qua dư thừa thép, nhôm khá nhiều và đã chuyển sang nước thứ ba để hoàn thiện rồi bán vào Mỹ.

Bên cạnh đó, động thái mới của ông Trump khiến nhiều nền kinh tế châu Á có thể bị tác động trực tiếp chứ không chỉ còn Trung Quốc. Theo Đài CNBC dẫn các số liệu thống kê, tại châu Á, Hàn Quốc cùng với Đài Loan và VN cũng là các nhà xuất khẩu thép lớn vào Mỹ. Chính vì thế, các nền kinh tế này cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ.

Mặt khác, sản lượng thép của Trung Quốc chiếm hơn 50% toàn thế giới nhưng ngành bất động sản của nước này vẫn đang trì trệ khiến cho việc tiêu thụ nhôm, thép bị ảnh hưởng nặng nề, hàng hóa dư thừa. Vì thế, khi gặp khó trong cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Quốc dễ có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu thép sang thị trường khác, bao gồm khu vực Đông Nam Á. Đây chính là tác động gián tiếp mà nhiều nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt khi thương chiến leo thang.

Thách thức lớn

Trả lời Thanh Niên về tác động từ chính sách thuế của Tổng thống Trump, bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá: “Kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) phải đối mặt với những trở ngại từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ trong năm 2025. Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của hầu hết các nền kinh tế APAC. Bên cạnh Trung Quốc, VN, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc là những nền kinh tế đặc biệt dễ bị tổn thương trong bối cảnh này”.

“Chúng tôi dự kiến tăng trưởng chậm hơn đối với hơn một nửa các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2025. Tuy nhiên, một số nền kinh tế như Úc, New Zealand và Nhật Bản sẽ phục hồi do kết quả năm 2024 vốn dĩ khá yếu kém. Mặc dù vậy, tăng trưởng chung của khu vực APAC vẫn cao hơn các khu vực khác”, bà Sagarika Chandra phân tích thêm.

Nguồn: https://thanhnien.vn/kinh-te-chau-a-truoc-suc-ep-my-leo-thang-thuong-chien-185250210231959978.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay