Theo tổ chức nghiên cứu năng lượng khí hậu Ember, với 47% lượng điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo, EU đã tạo ra khoảng cách rõ rệt với các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc trên hành trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Báo cáo cũng liệt kê các yếu tố dẫn đến thành công này của EU, nổi bật là hàng loạt quy định và chính sách khuyến khích đầu tư cho năng lượng sạch, tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Khối này gần đây tuyên bố “rót” 4,6 tỷ euro để hỗ trợ sản xuất pin xe điện, hydro tái tạo và các công nghệ giảm phát thải carbon.
Theo tổ chức nghiên cứu năng lượng khí hậu Ember, với 47% lượng điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo, EU đã tạo ra khoảng cách rõ rệt với các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc trên hành trình chuyển đổi năng lượng sạch.
EU cũng thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế để ứng phó biến đổi khí hậu. Thỏa thuận năng lượng giữa khối này với Hy Lạp, Ngân hàng Ðầu tư châu Âu (EIB) để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo của Hy Lạp, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng khai thác du lịch quá mức và biến đổi khí hậu, là một thí dụ điển hình.
Một thành tựu khác của EU là lần đầu tiên năng lượng mặt trời đã vượt qua than đá trong cơ cấu cung cấp điện của khối trong năm 2024. Tổ chức nghiên cứu Ember cho biết, năm 2024, năng lượng mặt trời chiếm 11% tổng sản lượng điện của EU, đánh dấu bước tiến đáng kể so với mức 9,3% của năm trước đó.
Năng lượng gió cũng đóng góp đáng kể vào cơ cấu năng lượng dù tỷ trọng không đổi ở mức 17,4%. Trong khi đó, tỷ trọng của than đá lần đầu tiên giảm xuống dưới 10% kể từ năm 2011.
Những số liệu nêu trên cho thấy, tiến trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo của Liên minh Cờ xanh đang gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện cam kết đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, châu Âu cũng đang hỗ trợ các quốc gia, khu vực khác chuyển đổi xanh. Cách đây không lâu, EU chính thức khởi động chiến dịch toàn cầu “Tăng cường năng lượng tái tạo ở châu Phi” nhằm huy động vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo ở châu lục này.
Dù nắm giữ nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào và có cơ hội đáng kể cho phát triển năng lượng tái tạo, Lục địa Ðen đứng trước một nghịch lý là chỉ thu hút được 3% số vốn đầu tư năng lượng toàn cầu, đồng thời đối mặt những thách thức như chi phí vốn cao, rào cản địa lý, hạn chế về chuỗi cung ứng…
Trước những kết quả khả quan trong hành trình chuyển đổi xanh của EU, giới chuyên gia vẫn nhận định, khối này còn chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990. Việc bảo đảm đủ nguồn lao động lành nghề phục vụ chuyển đổi năng lượng cũng là thách thức lớn.
Viện nghiên cứu Prognos (Ðức) nhận định, cho đến năm 2030, nước Ðức sẽ thiếu tới 550.000 lao động lành nghề để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ðức (DIHK), nhiều doanh nghiệp cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn do thiếu lao động lành nghề. Do đó, DIHK khuyến nghị nên định hướng nghề nghiệp thực tế ngay từ trong các trường học phổ thông, triển khai các chương trình đào tạo bổ sung, tăng cường tuyển dụng lao động lành nghề từ nước ngoài, giữ lại nhiều lao động nữ và lao động lớn tuổi trên thị trường lao động…
Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo đang mở ra một tương lai tươi sáng trong lĩnh vực năng lượng cho Lục địa già, giúp khu vực này giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ, cũng như giảm lượng khí thải ra môi trường. Hành trình chuyển đổi xanh của các nước EU nói riêng và châu Âu nói chung được kỳ vọng sẽ chứng kiến những bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới.
Nguồn: https://nhandan.vn/buoc-tien-trong-cuoc-cach-mang-nang-luong-sach-post859592.html