(PLO)- Nhiều giới quan sát, từ bất mãn, tức giận ban đầu, đảng Dân chủ bắt đầu hành động và đang ấp ủ chương trình nghị sự lớn được cho là một lá bài mặc cả quan trọng để đối phó Tổng thống Trump.
Kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 20-1, đảng Dân chủ đã tỏ ra bất lực và tức giận khi chứng kiến ông Trump có những động thái có hệ thống nhằm giải thể các cơ quan liên bang và mở rộng phạm vi quyền hạn mà không quan tâm mấy đến hậu quả, theo đánh giá từ đài CNN.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ vẫn còn một đòn bẩy quan trọng: thời hạn chót là ngày 14-3 để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.
Theo một số nguồn tin, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ đang tranh luận gay gắt về việc chính xác họ sẽ yêu cầu điều gì trong cuộc đàm phán lớn đầu tiên với ông Trump và nên thúc đẩy mạnh mẽ như thế nào.
Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa cần sự ủng hộ của đảng Dân chủ tại Thượng viện – nơi cần có 60 phiếu bầu để thông qua dự luật ngăn chính phủ đóng cửa. Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa phải đấu tranh với một nhóm bảo thủ sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ dự luật chi tiêu nào.
Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries và Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã thảo luận về cách tốt nhất để sử dụng thời hạn chính phủ đóng cửa để đối phó ông Trump.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Andy Kim cho biết ông cùng với những đồng nghiệp trong đảng Dân chủ sẵn sàng đóng cửa chính phủ liên bang vì những hành động gần đây của Tổng thống Trump.
“Tôi không thể ủng hộ những nỗ lực sẽ tiếp tục tình trạng vô luật pháp mà chúng ta đang chứng kiến khi nói đến các hành động của chính quyền này. Việc chúng ta có thể hỗ trợ tài chính cho chính phủ theo cách đó chỉ khiến họ đảo ngược tình thế, phá hủy chính phủ. Đó không phải là điều nên được phép” – ông Kim nói trên chương trình “Meet the Press” của đài NBC.
Ông Kim lập luận rằng đảng Dân chủ sẵn sàng đóng cửa chính phủ liên bang vì nhiều hành động khác nhau của chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm việc đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, và việc Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỉ phú Elon Musk lãnh đạo tiếp cận các hệ thống thanh toán liên bang.
“Tôi đã làm việc trong chính phủ. Tôi đã làm việc qua nhiều lần đóng cửa chính phủ. Tôi sẽ là người cuối cùng muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng ta đang ở thời điểm mà về cơ bản là bờ vực của cuộc khủng hoảng hiến pháp. Nhìn thấy chính quyền này thực hiện các bước đi rõ ràng là bất hợp pháp” – ông Kim cho hay.
Thượng nghị sĩ Kim lập luận rằng đảng Cộng hòa cần đảng Dân chủ để ngăn chính phủ đóng cửa.
“Trong vài tuần nữa, đảng Cộng hòa sẽ cố gắng tìm ra cách họ tiến lên phía trước và trong hai năm qua, họ cần phiếu bầu của đảng Dân chủ cho mọi nghị quyết và họ không nên trông chờ vào điều đó lần này” – ông Kim lưu ý.
Chia sẻ quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal nhấn mạnh rằng đảng Dân chủ cần “sử dụng mọi đòn bẩy mà chúng ta có”, nhưng ông cũng thừa nhận những rủi ro khi đấu tranh quá mức và dẫn đến việc đóng cửa chính phủ.
Một số đảng viên Dân chủ hàng đầu lo ngại rằng ngay cả khi họ giành được các nhượng bộ về chính sách, ông Trump sẽ chỉ phớt lờ luật pháp. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng kịch bản chính phủ đóng cửa cũng sẽ tác động ngược lại đến đảng Dân chủ.
Ông Jeffries và nhóm của ông đang theo dõi chặt chẽ các thành viên dễ bị tổn thương nhất của đảng Dân chủ, đặc biệt là các nhà lập pháp đại diện các khu vực bầu cử mà ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
“Tôi không nghĩ mọi người thích khi chính phủ đóng cửa, và tôi không nghĩ rằng một người bình thường sẽ theo dõi cuộc tranh luận chặt chẽ đến mức biết lỗi thuộc về ai” – Thượng nghị sĩ Elissa Slotkin, người đã giành được một ghế chiến trường quan trọng nơi ông Trump cũng giành chiến thắng, nhận định.
Nguồn: https://plo.vn/dang-dan-chu-dang-ap-u-la-bai-mac-ca-nao-de-doi-pho-ong-trump-post833509.html