Liêm khiết là tiêu chuẩn tiến cử
Năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ “xuống chiếu cho các đại thần tiến cử những người làm được các chức trọng yếu”, Việt sử cương mục tiết yếu viết. Từ đó các vua nhà Lê sơ duy trì biện pháp này để có thêm người tài. Cùng với việc tiến cử, năm Kỷ Dậu (1429), vua khuyến khích người tài tự tiến cử: “Còn ai hoặc có tài kinh tế [kinh bang tế thế] mà phải chèn ép ở cấp dưới, hoặc là hào kiệt tài giỏi mà bị vùi dập ở nơi đồng nội thì cũng cho phép tự tiến cử lấy mình”.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tiến cử người tài trọng phẩm hạnh, liêm khiết- Ảnh 1. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tiến cử người tài trọng phẩm hạnh, liêm khiết- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Tien-cu-nguoi-tai-trong-pham-hanh-liem-khiet.jpeg)
Tượng vua Lê Thánh Tông trong Văn Miếu. Vua rất nghiêm khắc trong thưởng phạt việc tiến cử
Trong việc tiến cử, triều đình quy định người được tiến cử lấy tiêu chí có tài có đức làm chính yếu. Trong đó coi trọng các yếu tố nhân cách như Cương mục ghi: “Phàm có quan lại nào liêm khiết, tài năng, đáng nên khen thưởng cất nhắc”, chiếu vua Lê Hiến Tông năm Đinh Tỵ (1497). Biện pháp này ngăn ngừa ngay từ ban đầu kẻ được tiến cử tư cách đạo đức kém.
Chiếu cầu hiền của vua Lê Thái Tổ năm Kỷ Dậu (1429) chỉ rõ người được tiến cử là đại thần, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên. Theo Lê triều quan chế, họ là Đại tư đồ, Hành khiển, Thái phó, Thái úy, Thiếu phó, Thiếu úy hay Thượng thư Lục bộ, Đô đốc, Đô Ngự sử đài… Từ thời Lê Thái Tông, vua cho phép bách quan đều được tiến cử. Cơ quan được phép tiến cử người tài, có năng lực, đức độ là cơ quan chuyên trách tuyển bổ quan lại thuộc Lục bộ: Bộ Lại. Lục khoa và Ngự sử đài có trách nhiệm khảo xét sự đúng sai trong tiến cử.
Nhà nước quy định rõ quyền lợi, thưởng phạt trong tiến cử. “Nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian” (lệnh chỉ của vua Lê Thái Tổ năm Mậu Thân (1428); “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức”, phê phán của vua Lê Thánh Tông năm Đinh Hợi (1467). Thực tế năm Đinh Tỵ (1437) Thiếu bảo Bùi Quốc Hưng, Phán đại tông chính Trịnh Khắc Phục đều bị biếm một tư vì tiến cử sai người. Cũng năm này, Quản lĩnh Lê Bồ, Lê Lao, Lê Lỗi bị giáng về chức cũ bởi họ đều là những người được Đại tư đồ Lê Sát tiến cử, mà Lê Sát trước đó mắc trọng tội bị xử tử. Vậy là tiến cử không tốt thì kẻ được tiến cử mất vị trí được bổ dụng, mà kẻ tiến cử cũng bị liên đới. Biện pháp này nhằm nâng cao trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiến cử.
Người xứng chức, kẻ bất tài
Cùng chế tài trách nhiệm, nhà nước có những quy định tưởng thưởng cho người tiến cử tốt. Toàn thư cho hay chiếu của vua Lê Thái Tổ ghi: “Nếu tiến cử được người có tài bậc trung, thì được tăng tước hai bậc. Nếu tiến cử được người tài đức đều ưu tú, vượt hẳn mọi người, thì nhất định được trọng thưởng”. Quy định thưởng phạt song hành trong tiến cử hướng tới đội ngũ quan lại thực tài, tốt đức và trách nhiệm cao để phụng sự thể chế, bớt đi những kẻ kém tài, thiếu đức có thể mọt hại nhân dân.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tiến cử người tài trọng phẩm hạnh, liêm khiết- Ảnh 2. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Tiến cử người tài trọng phẩm hạnh, liêm khiết- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739402282_5_Tien-cu-nguoi-tai-trong-pham-hanh-liem-khiet.jpeg)
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhiều lần đề cập lệ tiến cử thời Lê sơ
NGUỒN: CHUYÊN TRANG ĐIỆN TỬ CHỮ NÔM VIỆT NAM
Tiến cử ở thời Lê sơ là biện pháp mà ở đó cá nhân, tổ chức đứng ra tiến cử đã biết được năng lực thực tế, tài năng đặc biệt hoặc hạn chế cũng như nhân phẩm của người được tiến cử. Nhà nước trước nhất đã có được một tầng khảo xét, kiểm tra người được tiến cử trước khi bổ dụng. Nhưng xét ở chiều hướng khác, biện pháp tiến cử cũng có hạn chế. Việc tiến cử phụ thuộc nhiều vào khả năng, trách nhiệm xét người của cá nhân, tổ chức đứng ra tiến cử; lại không qua thi cử, khảo hạch nên độ chính xác cũng chỉ ở mức tương đối, phụ thuộc nhiều vào khả năng “chấm điểm” của các quan viên, tổ chức đóng vai trò là “giám khảo” chọn người.
Nhờ có những vị vua tài giỏi, sáng suốt, biết nhìn người nửa đầu thời Lê sơ mà lệ tiến cử phát huy được tác dụng. Như năm Canh Thân (1500) đời Lê Hiến Tông, Lê Quảng Độ tiến cử Trực Nguyên là người giỏi về chính trị và cứng rắn. Vua đã bổ dụng Nguyên làm Chỉ huy sứ. Từ thời vua Lê Uy Mục về sau, lệ này không còn được đề cập, thay vào đó là lệ bảo cử xuất hiện từ thời vua Lê Thánh Tông.
Dẫu vậy, lệ tiến cử không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng. Vua Lê Thái Tổ năm Giáp Dần (1434) đã cảm thán: “Những người được tiến cử mới đây đều là hạng tầm thường cả”, Cương mục chép. Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông giam Lễ bộ thị lang Lương Như Hộc vào ngục vì tội tiến cử sai Trần Quý Huyên, Huyên bị thu lại văn bằng được cấp. Trấn điện phó tướng quân Lê Hán Đình cũng năm này bị đánh trượng, bãi chức. Nguyên do là Hán Đình từng tham ô, sợ dân kiện nên vờ xin nghỉ dưỡng bệnh. Sau hắn được Chỉ huy sứ Đào Bảo tiến cử nhưng thực tế bất tài, không thạo binh pháp khiến vua giận. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-tien-cu-nguoi-tai-trong-pham-hanh-liem-khiet-185250212213034509.htm