Mới đây nhất, vào chiều 6/2/2025, tại lễ hội chùa Ðậu, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã xảy ra vụ việc hai thanh thiếu niên dùng dao giải quyết mâu thuẫn, khiến một người bị thương nặng. Cuối năm 2024, cũng tại Hà Nội, một nhóm thanh thiếu niên tuổi từ 16 đến 19 tổ chức đua xe trái phép, đã gây tai nạn làm một phụ nữ tử vong.
Cũng thời điểm này, Công an thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh khởi tố 10 thanh thiếu niên, tuổi từ 16-20 (trong đó có 6 học sinh), về tội gây rối trật tự công cộng. Hai nhóm thanh niên đã thách thức nhau trên mạng xã hội, hẹn gặp và sử dụng vũ khí tự chế để tấn công nhau.
Những vụ việc nêu trên chỉ là phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên . Theo thống kê, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Ðộ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động và tinh vi.
Trước đây, thanh thiếu niên chủ yếu vi phạm các tội danh như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng. Hiện nay, tội phạm trong giới trẻ có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn với các hành vi: cướp tài sản, giết người, buôn bán và sử dụng ma túy. Nhóm tội phạm công nghệ cao cũng có sự xuất hiện của nhiều đối tượng dưới 18 tuổi.
Ðáng nói, có những trường hợp phạm tội không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà còn có sự tính toán, lên kế hoạch bài bản, mục đích phạm tội rõ ràng. Một số thanh thiếu niên thậm chí coi những hành vi vi phạm pháp luật là “chiến tích”, đăng tải lên mạng xã hội để khoe khoang và thách thức pháp luật.
Trong quá trình thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại trước tỷ lệ thanh thiếu niên trong các trại giam và cơ sở giáo dưỡng ngày càng tăng.
Khi các hành vi bạo lực, phạm pháp, nhất là đối tượng phạm tội chưa thành niên trở nên phổ biến, môi trường xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí dẫn đến sự hình thành các băng nhóm tội phạm trẻ tuổi.
Ðể ngăn chặn kịp thời những hành vi lệch lạc của con cái trước khi chúng sa vào con đường phạm tội, cha mẹ cần dành sự quan tâm, giáo dục đúng đắn, xây dựng môi trường gia đình lành mạnh, trang bị cho con những giá trị đạo đức, kỹ năng sống và nhận thức rõ hậu quả của hành vi vi phạm.
Nhà trường cần tích hợp giáo dục pháp luật vào chương trình giảng dạy, tổ chức các buổi sinh hoạt về phòng chống tội phạm. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường cần được chú trọng để giúp học sinh vượt qua áp lực.
Cơ quan chức năng cần giám sát, xử lý các nội dung bạo lực, phản văn hóa, đồng thời tuyên truyền cho thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội một cách tích cực. Cần xem xét sửa đổi, bổ sung luật để có chế tài phù hợp hơn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng, bảo đảm tính răn đe nhưng vẫn nhân đạo.
Nguồn: https://nhandan.vn/noi-lo-gia-tang-toi-pham-post859746.html