Thứ năm, Tháng hai 13, 2025
HomeCông NghệThúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu khoa học và các sáng kiến nhằm chuyển đổi các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tế, nước ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả, từ cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, nhân lực và quan hệ hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những quan điểm đột phá, được các nhà khoa học đánh giá là đặt nền móng quan trọng cho việc tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh, để nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tri thức mà còn được chuyển hóa thành công nghệ, ứng dụng trong thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đề cập giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng; tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển; cải cách phương thức quản lý các nhiệm vụ khoa học-công nghệ; phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; khuyến khích hợp tác công-tư trong phát triển công nghệ…

Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa nghiên cứu khoa học vào thực tế và thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ. Thí dụ, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có chính sách khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; hệ thống đổi mới sáng tạo không chỉ được hỗ trợ bởi Chính phủ mà còn có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, với các quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp luôn tìm kiếm cơ hội chuyển hóa các phát minh khoa học thành các sản phẩm thương mại…

Việt Nam đã đạt được một số thành công trong việc chuyển đổi từ nghiên cứu khoa học sang phát triển công nghệ. Một số doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn như Vingroup, FPT, BKAV…

Những thành công này không chỉ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn tạo ra động lực cho các doanh nghiệp khác theo đuổi việc đổi mới sáng tạo.

Ðể thúc đẩy sự chuyển dịch này, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bảo vệ quyền lợi nhà nghiên cứu và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới mà không lo ngại về rủi ro pháp lý như hiện nay.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển công nghệ.

Hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn cho nghiên cứu và phát triển. Nhiều doanh nghiệp đề nghị cần tập trung nguồn lực cho các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ là sự hợp tác chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường một cách hiệu quả. Do đó, cần có chính sách khuyến khích hợp tác, như tài trợ nghiên cứu liên kết, giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia dự án nghiên cứu chung.

Về phía các nhà khoa học, cần nhìn được vấn đề xã hội đang cần để triển khai các đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ. Tính mới trong các nghiên cứu cần phải đề cập đến yếu tố có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, thí dụ, có thể đưa sản phẩm, dịch vụ mới vào thị trường hay quy trình sản xuất mới vào sản xuất.

Các phòng thí nghiệm trọng điểm cần được mở cho doanh nghiệp dùng chung để tận dụng nguồn lực, thúc đẩy việc tham gia nghiên cứu của doanh nghiệp và đẩy nhanh việc ra đời các công nghệ đột phá cho phát triển đất nước.

Ngân sách chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển phải quyết liệt thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học-công nghệ, nhằm đáp ứng tính thời sự của hoạt động nghiên cứu và kịp thời có các công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác công-tư để hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án và đặt hàng nghiên cứu cho các viện nghiên cứu, trường đại học. Các doanh nghiệp lớn cần tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt. Ðể thúc đẩy phát triển công nghệ đột phá, các doanh nghiệp công nghệ sẽ cần hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, do đó, cần có quy định hướng dẫn việc hợp tác này để hướng doanh nghiệp tới các lợi ích lâu dài.

Nguồn: https://nhandan.vn/thuc-day-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post859745.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay