Mỗi phụ nữ Việt có chưa đến 2 con
Ngày 18/2, Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05 ngày 22/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba trở lên.

Trung bình mỗi phụ nữ Việt có 1,96 con. Ở nhiều vùng, mức sinh giảm đến mức báo động (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, trước mắt là bãi bỏ xử lý vi phạm với quy định về số con.
Trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất có chính sách về duy trì mức sinh thay thế, đặc biệt trong bối cảnh mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm liên tục.
Theo các chuyên gia, xu thế ngại sinh con khiến tỷ lệ giảm sinh ngày càng rõ ràng. Quy định xử phạt người sinh con thứ 3 đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ Y tế, hiện số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023, xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp.
Hiện mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Giới trẻ kết hôn ngày càng muộn
Theo lãnh đạo Cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt đang ngày càng muộn hơn. Theo đó, tuổi kết hôn tăng từ 24,1 (năm 1999) lên 25,2 (2019) và đến 2024 là 27,2 tuổi.
Cụ thể, năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 29,3 tuổi, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ là 25,1. Nhưng đến năm 2024, tuổi trung bình kết hôn lần đầu của cả hai giới đều tăng thêm, trung bình là 27,2 tuổi. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.
Cùng với tình trạng “ngại” kết hôn sớm, tỷ lệ mức sinh thấp cũng đáng lo ngại. Hiện 2/6 vùng kinh tế xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ở Đông Nam Bộ phụ nữ có số con trung bình là 1,47 con.
Phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, với 127 trẻ/1.000 phụ nữ.
Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất rơi vào nhóm 20-24 tuổi, với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.
Số liệu năm 2023 cho thấy trong đó người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con.
Còn người có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh tới 2,35 con thì người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con.
Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.
“Theo tính toán, năm 2024, với mức sinh thấp, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,90% và sẽ giảm còn 0,68% năm 2029, giảm tiếp còn 0,06 vào năm 2054 và từ năm 2059, dân số bắt đầu tăng trưởng âm”, lãnh đạo Cục Dân số thông tin.
Tại Việt Nam, tỷ lệ giảm sinh chưa đến mức báo động, nhưng nếu không can thiệp ngay, tỷ lệ giảm sinh sẽ ngày càng mạnh, sẽ đến lúc báo động.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã nhận được chỉ đạo của Bộ Chính trị, đơn vị chuyên môn sẽ bắt tay vào hoàn thiện việc sửa luật để trình lên Chính phủ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-viet-ngay-cang-luoi-de-toc-do-tang-dan-so-giam-dan-20250220075008888.htm