Trẻ em có hệ miễn dịch non yếu hơn người lớn, chủ yếu học tập và sinh hoạt tại trường, nơi tập trung đông người, nên dễ nhiễm cúm.
BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nói như trên, khuyến cáo cúm là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ mỗi khi thời tiết chuyển mùa hoặc vào mùa đông xuân. “Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm, cũng như dễ mắc các biến chứng của cúm do hệ miễn dịch non yếu”, bác sĩ Phương nói.
Bên cạnh đó, trẻ thường sinh hoạt, vui chơi cùng nhau ở lớp học, câu lạc bộ, không gian nội trú… Đây là môi trường khép kín, gia tăng tiếp xúc giữa người và người, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan.
Ở trẻ nhỏ hơn, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ có thói quen mút tay, đưa các đồ vật cầm nắm được lên mắt mũi miệng, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh nên dễ lây cho nhau.
Môi trường học đường thuận lợi cho virus cúm lây lan. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần
Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận số nhiễm cúm A tăng, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. Hôm 15/2, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (Bắc Kạn) ghi nhận chùm ca nhiễm cúm A với 43 học sinh. Một trường hợp khác 7 tháng tuổi ở Phú Thọ, nhập viện do suy hô hấp cấp tiến triển sau nhiễm cúm A.
“Không khí thay đổi thất thường cũng thuận lợi cho bệnh cúm gia tăng”, bác sĩ Phương nói, thêm rằng virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp.
Bên cạnh đó, một số quốc gia trên thế giới đang trải qua mùa cúm bất thường, với tỷ lệ nhiễm và nhập viện tăng đột biến. Như Nhật Bản ghi nhận số nhiễm cao kỷ lục trong 25 năm qua với 317.000 ca dương tính tại 5.000 cơ sở y tế trong một tuần, trung bình 64,39 bệnh nhân mỗi cơ sở, gấp đôi ngưỡng cảnh báo.
Cúm là bệnh do virus gây ra, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Virus có thể bám trên bề mặt như bàn học, tay nắm cửa và các vật dụng, đồ chơi, lây nhiễm khi chạm tay và đưa lên mắt, mũi, miệng.
Ở trẻ em, khoảng hai ngày sau khi tiếp xúc với virus cúm, cơn sốt bắt đầu xuất hiện, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp. Trẻ có thể chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng và chảy nước mũi.
Bệnh có thể biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang đồng thời xâm nhập các cơ quan khác gây viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm tai giữa, viêm phổi… Trong đó, biến chứng viêm phổi, viêm não có tiến triển nhanh, nguy cơ tử vong cao, từng ghi nhận nhiều ở trẻ.
Bác sĩ Phương khuyến cáo trong bối cảnh bệnh cúm mùa đang gia tăng số ca mắc tại Việt Nam và trên toàn cầu, cách phòng bệnh cho trẻ hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mắc cúm làm tăng nguy cơ nhập viện lên đến 50-70%, nguy cơ tử vong do cúm 70-85%. Việc tiêm cúm giúp làm giảm nguy cơ tử vong do cúm nặng lên đến từ ba đến bốn lần, đặc biệt người có miễn dịch kém, mắc các bệnh lý mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, đái tháo đường, tim mạch, béo phì…
Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine phòng các chủng virus cúm phổ biến tam giá hoặc tứ giá gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Trong đó, loại của Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Người từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO.
Ngoài cúm, trẻ nên tiêm thêm vaccine phòng các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp khác như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, phế cầu khuẩn… Trẻ đã tiêm vaccine phế cầu 10, phế cầu 13 nên bổ sung thêm mũi phế cầu 23. Đây là vi khuẩn thường trú ở vùng hầu họng, dễ bội nhiễm khi mắc cúm.
Trẻ tiêm vaccine cúm tại VNVC Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Mỹ Ngọc
Phụ nữ trong độ tuổi mang thai cũng nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ để truyền kháng thể bảo vệ trong 6 tháng đầu đời, tốt nhất từ ba tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ.
Để tăng khả năng phòng bệnh, Bộ Y tế hôm 8/2 đã yêu cầu các địa phương theo dõi, giám sát chặt tình hình dịch bệnh, phát hiện ca bệnh để xử lý kịp thời. Đối với người dân trong đó có trẻ em, không tập trung tại nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn.
Bác sĩ Phương khuyến cáo gia đình và nhà trường cần giúp trẻ có biện pháp phòng cúm tại trường học như hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng, không khạc nhổ. Học sinh cần che miệng khi ho, hắt hơi để giảm phát tán dịch theo đường hô hấp.
Nhà trường cũng cần đảm bảo vệ sinh trường lớp sạch sẽ, thông thoáng, nhiều ánh sáng. Các bề mặt như nền nhà, tay nắm cửa, bàn học, vật dụng của học sinh cần được thường xuyên khử trùng. Trẻ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tăng sức đề kháng, tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao thể trạng.
Gia đình cần theo dõi sát biểu hiện của con, vì trẻ nhạy cảm với thời tiết, dễ ốm song không nói với cha mẹ. Trong khi đó, mùa xuân thuận lợi cho các mầm bệnh khác phát triển như sởi, sốt xuất huyết, não mô cầu… bên cạnh cúm. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, cần được khám sớm, không nên tự dùng thuốc, hoặc trị bệnh theo mẹo dân gian dễ làm bệnh nặng hơn.
Diệu Thuần
Nguồn: https://vnexpress.net/ly-do-tre-de-bi-lay-nhiem-cum-4851709.html