Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeThời SựKhách cởi đồ chụp ảnh ở Metro và chuyện văn minh công...

Khách cởi đồ chụp ảnh ở Metro và chuyện văn minh công cộng

Metro Bến Thành – Suối Tiên tại TPHCM sau thời gian đầu vận hành đã ghi nhận hàng triệu lượt hành khách sử dụng, đa số đón nhận tích cực và tuân thủ quy định chung, song nhiều trường hợp ứng xử kém văn hóa, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của người khác. Cụ thể như một số hành khách tranh giành chỗ ngồi, xả rác, xô đẩy, thậm chí có người cởi bỏ quần áo để chụp hình…

Từ câu chuyện của Metro Bến Thành – Suối Tiên, nhìn rộng ra có thể thấy hệ thống hạ tầng đô thị đã có những bước phát triển mới trong thời gian gần đây, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn giữ thói quen ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng, chưa hình thành được nếp sống mới.

Khách cởi đồ chụp ảnh ở Metro và chuyện văn minh công cộng - 1

Metro số 1 đón trung bình 76.000 khách/ngày trong dịp Tết Ất Tỵ (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Về không gian công cộng, bên cạnh các không gian tổ chức theo dạng mở ngoài trời (công viên, vườn hoa, phố đi bộ…), còn có các không gian khép kín (rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, xe buýt, metro…) và các không gian này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống đô thị. Mức độ văn minh của một đô thị không chỉ nằm ở hạ tầng hiện đại, mà còn phụ thuộc rất lớn vào thói quen sử dụng, ứng xử của người dân. Chúng ta có thể nhận diện một số cấp độ của hành vi thiếu văn minh ở các không gian công cộng như sau:

(1) Cấp độ ảnh hưởng: Hút thuốc, khạc nhổ, đại tiện, tiểu tiện bừa bãi, cởi trần hoặc trang phục không phù hợp, gây tiếng ồn, nói chuyện điện thoại to trong các không gian đòi hỏi sự yên tĩnh, không nhường chỗ cho người khác.

(2) Cấp độ xâm lấn: Lấn chiếm một phần để sử dụng cho các mục đích riêng (bán hàng rong, xây dựng công trình cá nhân…), đánh nhau tranh giành tiện ích, không nhường cho những nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, người già, người tàn tật…

(3) Cấp độ phá hỏng: chiếm dụng toàn bộ không gian công cộng cho mục đích riêng, đục phá, hủy hoại các hạng mục công trình thiết bị tiện ích…

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, khi ở trong một không gian công cộng, phản ứng tâm lý của mỗi cá nhân là tự xác định cho mình một vùng sở hữu được mô phỏng như quả bong bóng bao quanh. Kích thước bong bóng không gian cá nhân này có thể thay đổi tùy theo chùm các biến số như: chuẩn mực văn hóa, tâm lý và hành vi ứng xử, mức độ trải nghiệm và việc tiếp cận thông tin hướng dẫn sử dụng không gian công cộng…  Trong đó, khả năng tiếp cận thông tin hướng dẫn sử dụng có vai trò rất lớn, ảnh hưởng quan trọng đến hành vi ứng xử của mọi người.

Từ hướng tiếp cận trên, các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải pháp, trong đó quan trọng nhất chính là đẩy mạnh thông tin hướng dẫn về cách thức ứng xử ở không gian công cộng của người dân.

Tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), từ những năm 1980, cùng với việc bùng nổ xây dựng, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị với hàng loạt hạ tầng mới, chính quyền đô thị đã thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân với tên gọi là “văn minh”.

Biển báo về ứng xử văn minh được đặt ở không gian công cộng, với các nội dung như: Yêu đất nước và làm đẹp Quảng Châu; hãy lịch sự với mọi người và không nói năng thô tục; thể hiện sự đoàn kết với hàng xóm và giữ cho gia đình hòa thuận; tránh xa những thói quen cũ; hãy giúp đỡ, tôn trọng người lớn tuổi và yêu thương trẻ em; tuân thủ pháp luật và tránh cờ bạc mê tín; chú ý vệ sinh, không khạc nhổ và không vứt rác trên đường phố; làm xanh môi trường, trồng cây, hoa và bảo vệ chim; tôn trọng tài sản công và trật tự công cộng; tôn trọng bản thân và bảo vệ sự toàn vẹn của nhà nước…

Hàng nghìn tấm biển báo tuyên truyền cho chiến dịch “văn minh” đã được đặt ở các quảng trường và trên đường phố Quảng Châu. Nội dung các thông báo ưu tiên sử dụng câu chữ ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ.

Tại Singapore, để góp phần thay đổi ý thức của người dân tại không gian công cộng, chính phủ đã triển khai sáng kiến “ghế lịch sự”, trong đó những ghế được chỉ định dành riêng cho người già, phụ nữ mang thai và người khuyết tật trên xe buýt, metro, rạp chiếu phim, vườn hoa… được thiết kế riêng, có thông báo kèm theo để khuyến khích mọi người quan tâm, nhường chỗ cho đối tượng ưu tiên.

Chính phủ Singapore cũng tăng cường sử dụng các nền tảng tương tác kỹ thuật số để truyền thông, tiếp thu ý kiến người dân và phản hồi nhanh chóng.

Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa xếp hàng ngay ngắn khi chờ tàu, không gây ồn ào, hạn chế ăn uống trên tàu. Thậm chí, tại Nhật Bản còn có quy định cụ thể như không được gác chân lên ghế ngồi trên tàu.  

Trở lại với Việt Nam, với tốc độ phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng hiện nay, việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng đang trở nên cấp thiết. Thiết nghĩ chính quyền đô thị cần xem xét một số giải pháp sau:

Trước mắt, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông như truyền hình, báo chí, mạng xã hội, pano, áp phích tại các không gian công cộng… để phổ biến quy định, hướng dẫn cách ứng xử văn minh. Các biển báo nên được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu.  

Đưa nội dung về văn hóa ứng xử nơi công cộng vào chương trình giáo dục trong nhà trường, từ bậc tiểu học đến đại học. Hà Nội và TPHCM nên tổ chức tham quan, trải nghiệm thực tế trên metro cho học sinh, sinh viên để giúp các bạn trẻ nắm rõ cách ứng xử khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới này.  

Cùng với việc khuyến khích người dân tham gia các phong trào như “ứng xử văn minh nơi công cộng”, chính quyền đô thị cần xây dựng và ban hành quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, kèm theo mức xử phạt nghiêm khắc; tăng cường sử dụng camera giám sát, hệ thống cảnh báo tự động để phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Hà Nội và TPHCM có thể phát triển ứng dụng riêng hoặc tích hợp tính năng vào ứng dụng chung của thành phố để hướng dẫn cách ứng xử văn minh, khuyến khích hành khách đi xe bus, tàu điện… phản ánh các hành vi vi phạm. Ứng dụng này cũng có thể được sử dụng để xây dựng hệ thống điểm thưởng, khen thưởng cho những hành khách có hành vi văn minh.  

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/khach-coi-do-chup-anh-o-metro-va-chuyen-van-minh-cong-cong-20250221143404925.htm

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay