Vàng bật tăng, USD giảm sâu
Hôm qua (8.11), giá vàng miếng SJC tăng trở lại 1 triệu đồng so với ngày hôm trước. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mở cửa đầu ngày mua vào với mức 82 triệu đồng/lượng, bán ra 86,5 triệu đồng. Chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC vẫn neo ở mức kỷ lục là 4,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên đến cuối ngày, SJC giữ nguyên giá mua vàng miếng 82 triệu đồng nhưng giảm 500.000 đồng ở chiều bán ra, xuống 86 triệu đồng. Điều này giúp chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC giảm xuống còn 4 triệu đồng/lượng nhưng đây vẫn là mức rất cao trong nhiều năm qua. Như vậy sau khi “bốc hơi” 6 triệu đồng ở chiều mua vào và 3,5 triệu đồng ở chiều bán ra trong ngày trước đó, giá vàng miếng SJC phần nào hồi phục trở lại nhưng tính chung sau 2 ngày vẫn giảm 5 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 3 triệu đồng ở chiều bán ra.
Tương tự, giá vàng nhẫn cũng nhào lộn trong 2 ngày qua khiến nhiều người “thót tim”. Giá vàng nhẫn 4 số 9 đầu ngày 8.11 được SJC tăng 1 triệu đồng, lên mức mua vào 82 triệu đồng, bán ra 84,8 triệu đồng và được duy trì hết cả ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn tại SJC vẫn được duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng nhưng chỉ bằng một nửa so với giá mua bán vàng miếng cùng thương hiệu.
Giá vàng giảm cắm đầu, nhiều người vẫn bán vì cần tiền xoay xở
Các công ty vàng bạc đá quý cũng nhiều lần thay đổi giá mua bán vàng nhẫn 4 số 9 theo chiều hướng tăng dần trong ngày. Chẳng hạn, đầu ngày giá bán vàng nhẫn của nhiều công ty vẫn dưới 85 triệu đồng/lượng thì đến chiều tăng lên trên 85 triệu đồng. Cụ thể, cuối ngày hôm qua, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào với giá 83,4 triệu đồng, bán ra 85,2 triệu đồng, tăng 700.000 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày. Tương tự, Tập đoàn Doji mua vào 83,35 triệu đồng, bán ra 85,15 triệu đồng, tăng 2,1 triệu đồng ở chiều mua và tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày… Tính chung sau 2 ngày, mỗi lượng vàng nhẫn đã giảm gần 3 triệu đồng.
Giá vàng thế giới đầu ngày hôm qua phục hồi trở lại, đạt 2.700 USD/ounce nhưng đến cuối ngày lại quay đầu giảm còn 2.687 USD/ounce. Tuy nhiên so với một ngày trước, giá kim loại quý vẫn tăng 25 USD. Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 82,5 triệu đồng/lượng. Như vậy vàng miếng SJC đang mắc hơn thế giới 3,5 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn 4 số 9 trên thị trường cao hơn từ 2,8 – 3 triệu đồng.
Ngược chiều với vàng, giá USD hôm qua vẫn ghi nhận đà giảm cả trên thế giới lẫn trong nước. Chỉ số USD-Index xuống 104,36 điểm, thấp hơn ngày trước đó 0,42 điểm. Trong nước, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giá USD. Chẳng hạn, Vietcombank mua chuyển khoản ở mức 25.130 đồng và bán ra 25.470 đồng, giảm 27 đồng. Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm 100 đồng, mua vào xuống còn 25.500 đồng, bán ra 25.600 đồng. Đồng bạc xanh đi xuống sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định giảm lãi suất 0,25% vào sáng 8.11 (giờ VN). Đây là lần giảm lãi suất thứ hai của Fed, đưa lãi suất mục tiêu xuống còn 4,5 – 4,75%/năm.
Tại cuộc họp báo ngay sau công bố giảm lãi suất, Chủ tịch Fed – Jerome Powell – phát đi thông điệp mạnh mẽ về tính độc lập của ngân hàng trung ương trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Chủ tịch Fed cũng để ngỏ khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, ông vẫn giữ thái độ thận trọng về định hướng chính sách trong thời gian tới và cho rằng cơ quan này không đi theo một lộ trình định sẵn nào cả mà các quyết định về lãi suất sẽ được đưa ra theo từng cuộc họp…
Lên cao vút, giảm mất hút
Hôm qua, khi giá vàng bật tăng trở lại, lực mua vàng xuất hiện nhiều hơn trong khi bán ra thì nhỏ giọt. Nhiều người dân đến tiệm vàng nhưng thay vì bán ra như hôm trước thì nay lại mua vào. Cô Đào Tuyết (Q.10, TP.HCM) cho biết rất mừng khi thấy giá vàng tăng lại trong ngày 8.11 vì hôm 7.11 cô đã kịp mua 6 chỉ vàng nhẫn tại tiệm vàng Mi Hồng với giá 82,5 triệu đồng. Tương tự, chỉ qua một ngày, chị An (Q.Bình Thạnh) cũng vui mừng vì đã “huề vốn” khi giá mua vàng nhẫn tăng lên 82,5 triệu đồng. Một điểm khá đặc biệt là khi giá vàng giảm, người mua vàng bao nhiêu cũng được chứ không hạn chế 2 chỉ vàng như thời gian trước. Ngược lại, đối với người bán thì đơn vị mua vào có giới hạn.
Đại diện SJC cho hay trong hôm qua, lượng khách hàng đăng ký mua vàng tăng cao, áp đảo lượng người bán ra và hoàn toàn trái ngược với tình hình của một ngày trước đó. Số người mua vàng tăng lên nhiều vì sợ giá sẽ còn lên cao hơn nữa. Trong 2 ngày qua, Công ty SJC đã bán vàng không giới hạn số lượng cho khách, còn vàng nhẫn thì lên 10 lượng (trước đó có thời điểm bán 3 chỉ vàng). Còn với các ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV… tình trạng đặt mua vàng vẫn tiếp tục gặp khó.
Trưa 8.11, đăng nhập vào ứng dụng Vietcombank để mua vàng, gần như các điểm bán vàng tại TP.HCM đều thông báo “VCB đã nhận đủ lượng khách đăng ký của ngày hôm nay”. Trên các diễn đàn vàng, số thành viên rao bán cũng khá ít và mức giá lên đến 87,5 triệu đồng, hay 88,5 triệu đồng. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với ngày trước đó khi đa số là lời rao bán nhiều hơn mua vào.
Giá vàng “quay xe” trong hôm qua khiến những người đã bán vàng trong ngày trước đó sửng sốt. Chị Nguyễn Thanh (Q.1, TP.HCM) cho biết trong ngày 7.11, chị “cắn răng” đi bán 2 lượng vàng khi thấy giá vàng lao dốc không phanh do sợ tiếp tục giảm. Lúc mua số vàng này có giá 84 triệu đồng/lượng nhưng lúc giá cao hơn vào những ngày trước đó thì chị chưa có nhu cầu bán. Đến cuối tuần này, gia đình chị phải cọc tiền nhà nên theo kế hoạch bán ra 3 lượng vàng. “Lúc đầu thấy giá vàng giảm nhưng cũng dặn lòng chưa bán thì chưa lỗ. Thế nhưng khi giá lao xuống chỉ còn 81 triệu đồng (chiều mua vào) thì tôi không thể nào ngồi yên được, đành mang ra bán, chấp nhận lỗ 9 triệu đồng cho 3 lượng vàng nắm giữ bao lâu vì sợ giá còn xuống sâu nữa.
Thế nhưng sáng hôm sau thì hỡi ôi khi thấy giá bật lên lại mức 82 triệu đồng. Chỉ qua 1 đêm mà thiệt hại 3 triệu đồng/lượng. Biết vậy cứ bình tĩnh chờ thêm chút nữa, biết đâu không lỗ nặng”, chị Thanh thẫn thờ. Những người đang nắm giữ vàng cũng rơi vào tình cảnh lo lắng vì không thể biết được hôm qua tăng thì những ngày kế tiếp có giảm trở lại hay không? Đặc biệt, với những người mua vàng ở vùng giá 89 – 90 triệu đồng/lượng thì đến nay lỗ tầm 8 triệu đồng/lượng và luôn trong tình trạng đứng ngồi không yên. Ngược với nỗi buồn của những người vội bán ra thì những người mua vào khi giá vàng lao dốc lại khá vui khi giá tăng lên…
Khó lường trong ngắn hạn
Diễn biến lao dốc không phanh và tăng trở lại trong 2 ngày vừa qua của giá vàng thế giới lẫn trong nước khiến nhà đầu tư lẫn các chuyên gia bất ngờ. Thậm chí dù nhiều người dự báo giá vàng có thể giảm sau khi ông Donald Trump thắng cử tại Mỹ nhưng cú lao dốc gần 80 USD trong một ngày vẫn ngoài sức tưởng tượng. Riêng vàng miếng SJC tại VN “bốc hơi” 6 triệu đồng trong một ngày và nhanh chóng tăng trở lại vào hôm qua cũng là diễn biến khó dự đoán như thú nhận của rất nhiều người.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, trong vòng 10 năm trở lại đây, trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, vàng tăng giá mạnh nhưng khi có tân tổng thống thì quay đầu rơi vài trăm USD. Tuy nhiên về dài hạn thì giá sẽ tăng lên lại do một số yếu tố hỗ trợ. Chẳng hạn, ngân hàng trung ương các nước sẽ tiếp tục mua vào tăng dự trữ, thêm vào đó nhu cầu từ các thị trường vàng lớn thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tăng.
Trong thời kỳ ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, với nhiều khả năng vị tân tổng thống sẽ thực hiện các chính sách để phát triển kinh tế là chính, hỗ trợ giải quyết xung đột giữa các nước, lúc này USD tăng nên vàng giảm. Đây là kịch bản về lâu dài, còn trước mắt thì giá vàng có thể kéo dài các đợt tăng giảm từ 1 – 2 tháng, xoay quanh mức giá 2.600 – 2.700 USD/ounce. Giá vàng trong nước sẽ tăng giảm theo biến động của thế giới. Giá kim loại quý xuống mạnh 5 – 6 triệu đồng/lượng trước đó và nay hồi lại 1 – 2 triệu đồng là chưa đáng kể. Có thể trong ngắn hạn, thị trường vàng sẽ có những cơn sóng mạnh hơn.
Trước bối cảnh đó, người tham gia thị trường vàng cần thận trọng. Đặc biệt là tình trạng người dân mang vàng ra bán mà tiệm vàng không mua vào và chênh lệch giá mua với giá bán bị đẩy lên quá cao có thể lặp lại càng khiến người mua càng thua lỗ nặng. Tình trạng “giá tăng thì mua, giá giảm thì bán” lại tái diễn. Dù giá vàng hiện nay đang ở mức thấp từ 4 – 5 triệu đồng/lượng so với đỉnh gần nhất, cũng là cơ hội để mua nhưng với mức giá chênh lệch giữa mua – bán vàng, các nhà vàng đang đẩy rủi ro cho người mua. Đây cũng là yếu tố cần cân nhắc nếu không muốn vừa mua xong đã lỗ ngay 2 – 4 triệu đồng.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá vàng trong nước lao dốc mạnh hơn thế giới hay tăng cao hơn là những rủi ro quá lớn cho người mua vàng. Đặc biệt, mức chênh lệch giữa giá mua với bán lại bị đẩy lên kỷ lục 4 – 5 triệu đồng/lượng là “không thể chấp nhận”. Biến động của giá vàng trong thời gian ngắn sẽ còn khá mạnh và rất khó dự báo. Bởi năm nay có nhiều yếu tố về căng thẳng địa chính trị nên sẽ khác với giai đoạn ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ trước đây. Vì vậy, có thể giá kim loại quý cũng không giảm nhiều như suy nghĩ của nhiều người.
Còn xét về dài hạn, giá vàng có nhiều yếu tố hỗ trợ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Đó là xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine hay căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa thể chấm dứt ngay. Thậm chí với những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ có khả năng căng thẳng còn leo thang. “Giá vàng lao dốc ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ chủ yếu do các nhà đầu tư chốt lời cộng thêm số người cắt lỗ do sợ đà giảm mạnh. Còn xét về dài hạn thì khả năng tăng giá của vàng vẫn rất lớn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Riêng chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh cũng cho rằng giá vàng hiện rủi ro lớn. Giá vàng hiện nay đang trong giai đoạn rung lắc khá mạnh, tăng giảm với biên độ lớn. Vì vậy việc lướt sóng vàng trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn. Còn về trung – dài hạn, kim loại quý vẫn còn đối mặt với áp lực giảm giá nhưng mức giảm sẽ không quá sâu bởi nguồn cung của vàng là hữu hạn.
Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường gần 11,5 tấn vàng
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ ngày 3.6 – 29.10, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng). Trước thời điểm NHNN thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89 – 92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%). Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3 – 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5 – 7%). Tuy nhiên thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Tỷ giá hối đoái tại VN giảm bớt áp lực
Việc Fed tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,25% sẽ khiến giá trị USD đi xuống. Từ đó giúp áp lực lên tỷ giá hối đoái USD/VND tại VN hạ nhiệt. Điều này cũng tạo dư địa cho NHNN có thể giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, từ đó tác động giảm lãi suất trên tất cả các thị trường tín dụng, hỗ trợ cho nền kinh tế. Tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, chính sách của ông Donald Trump với việc muốn giảm tỷ trọng nhập siêu từ nhiều nước, trong đó có VN sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của cả nước. Khi nguồn cung ngoại tệ không nhiều thì cũng ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong nước. Do đó cũng không nên quá lạc quan dù Fed đã giảm lãi suất.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu
Nguồn: https://thanhnien.vn/tro-tay-khong-kip-voi-vang-185241108220645939.htm