Sáng 25-2, trình bày báo cáo tình hình, kết quả phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, Bộ Tài chính – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí – cho biết, công tác chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực.
Gần 10.000 tài sản công khác ngoài nhà, đất sử dụng không đúng mục đích
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước chưa thực sự tích cực, hiệu quả sử dụng ở một số lĩnh vực và địa bàn chưa cao. Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp do áp dụng các chính sách, quy định của pháp luật chưa tốt; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, chưa quyết liệt…
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ ra hệ thống cơ chế chính sách và thực tế triển khai quản lý, sử dụng tài sản công tại một số đơn vị còn nhiều bất cập. Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Số lượng cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích còn cao.
Cụ thể, theo báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương thì có khoảng 9.497 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Và 9.606 tài sản công khác ngoài nhà, đất gồm xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác đang không được sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước đang đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập. Việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án thoái vốn chậm, việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn kéo dài.
Đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vật lực, Bộ Tài chính cho rằng, pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng các tài nguyên còn chồng chéo, bất cập. Công nghệ khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vẫn còn ở trình độ thấp; khai thác, sử dụng chưa hiệu quả, gây lãng phí.
Chất lượng và hiệu quả đầu tư dự án hạ tầng kinh tế xã hội chưa cao; tính đồng bộ, kết nối và hiện đại còn thấp; chưa có nhiều công trình lớn, có tính lan tỏa và đột phá; hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều thiếu thốn.
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đặc biệt là về quy hoạch đầu tư chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ khiến việc thu hút đầu tư và triển khai dự án gặp khó khăn, còn tồn tại những quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà.
Xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí và sửa đổi Luật Tiết kiệm, chống lãng phí vẫn gặp khó
Cũng tại Báo cáo sáng 25-2, Bộ Tài chính đã thông tin về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Theo đó, ngày 24-12-2024, Bộ Tài chính đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược. Tuy nhiên, tính đến ngày 23-2, Bộ này mới nhận được ý kiến tham gia lần 2 của 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ đối với dự thảo Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.
Trong khi đó, tại phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi ý cần tập trung phòng chống lãng phí trên lĩnh vực đất đai; lĩnh vực môi trường, tài nguyên, khoáng sản; lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công, nhất là việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công trong hợp tác công tư, đầu tư ra nước ngoài.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của các Bộ, ngành đối với việc xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí để xử lý hiệu quả các vấn đề hạn chế phát sinh trong thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một trong những vấn đề lớn nhất đối với việc xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí là xác định đầy đủ, cụ thể các hành vi gây lãng phí trong từng lĩnh vực làm cơ sở xem xét các chế tài xử lý.
Tuy nhiên, hiện nay cơ bản chưa có Bộ, ngành nào có thông tin phản ánh đề nghị sửa đổi hay bổ sung các quy định về hành vi gây lãng phí thực tế đang phát sinh.
Đề nghị giao Thanh tra Chính phủ hoàn thành kết luận thanh tra với 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2
Trước thực tiễn và khó khăn trên, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt nội dung phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện triệt để phòng, chống lãng phí các nguồn lực mà từng Bộ, ngành trực tiếp quản lý. Gửi về Bộ Tài chính trước ngày 28-2 để tổng hợp đưa vào dự thảo Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, nhận diện các hành vi gây vi lãng phí trong lĩnh vực quản lý nhà nước, gửi về Bộ Tài chính trước ngày 3-3 để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội.
Chủ động đề xuất nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cần thực hiện năm 2025, gửi về Bộ Tài chính trước ngày 7-3 để tổng hợp đưa vào Chương trình công tác năm của Ban Chỉ đạo.
Cùng với đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực có khả năng gây thất thoát, lãng phí lớn. Hoàn thành kết luận thanh tra đối với 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức trước ngày 31-3.
Bộ Tài chính đề xuất giao các thành viên Ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.HCM nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp để phòng, chống lãng phí các nguồn lực trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng, nhân rộng trên cả nước.
Giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương lập phương án, tháo gỡ vướng mắc, tổ chức xử lý triệt để các tài sản công và trụ sở làm việc. Sớm đưa vào khai thác, sử dụng, vận hành các dự án tồn đọng kéo dài, gây thất thoát, lãng phí lớn, điển hình như dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Luật Tiết kiệm, chống lãng phí đang xây dựng có điểm mới gì?
Thông tin về việc xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ này đang chủ động, khẩn trương lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Chính phủ báo cáo UBTV Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật Quốc hội khóa XVI.
Tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất một số điểm đổi mới quan trọng. Đó là, đề xuất bỏ quy định “Đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ không được nghiệm thu thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ kinh phí đã cấp cho những nội dung, hạng mục không hoàn thành”.
Ngoài ra, bổ sung trường hợp được miễn trừ trách nhiệm cho người làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo vì nguyên nhân khách quan có thể gây ra hành vi gây lãng phí.
Song, Bộ Tài chính cho biết, Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ Bộ Tài chính đã dự kiến quy định 7 nhóm hành vi gây lãng phí với 96 hành vi gây lãng phí cụ thể. Phân định rõ hành vi gây lãng phí và hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí.
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc giao Chính phủ quy định cụ thể hình thức xử lý kỷ luật tương ứng với mức độ từng hành vi vi phạm.

Nguồn: https://plo.vn/phong-chong-lang-phi-con-vuong-mac-bo-tai-chinh-de-xuat-nhieu-nhiem-vu-post836064.html