TPO – Qua khảo sát sơ bộ, hồ Tây có mức độ đa dạng sinh học thấp, cơ cấu thành phần các loài xâm hại ngoại lai lớn, đặc biệt lượng cá rô phi chiếm đa số, khoảng trên 80%. Do đó UBND quận Tây Hồ đề nghị đánh tỉa loài cá này.
UBND quận Tây Hồ vừa có báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc xin chủ trương đánh tỉa giảm mật độ cá, khắc phục tình trạng cá chết tại hồ Tây.
Theo UBND quận Tây Hồ, hồ Tây là hồ nước ngọt có diện tích mặt nước lớn, có chức năng điều hòa không khí và được coi là “lá phổi xanh” của Thủ đô. Công tác vệ sinh môi trường được quận quan tâm thực hiện thường xuyên nên cảnh quan, chất lượng môi trường dần được cải thiện.
Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây (thời điểm từ tháng 9 đến hết tháng 11 hàng năm) thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết với số lượng lớn, bốc mùi khó chịu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước, đời sống dân sinh, mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong dư luận.
Qua khảo sát sơ bộ, hồ Tây có mức độ đa dạng sinh học thấp, cơ cấu thành phần các loài xâm hại ngoại lai lớn, đặc biệt lượng cá rô phi chiếm đa số, khoảng trên 80%. Loài này sinh sản nhiều lần trong năm, phát triển rất nhanh dẫn đến mật độ cá trong hồ dày đặc ảnh hưởng đến sự phát triển các loài thủy sản đặc hữu trong hồ (như cá trắm đen, cá chép, tôm…). UBND quận khẳng định: Loài cá rô phi gây mất cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường nước mỗi khi thời tiết thay đổi.
Công nhân thoát nước vớt hàng tấn cá chết vừa qua
Để khẩn trương khắc phục tình trạng cá chết tại hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép quận tổ chức thực hiện phương án đánh tỉa giảm mật độ cá nguy hại trong hồ Tây theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú ý (Sở NN&PTNT).
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-danh-tia-ca-nguy-hai-de-bao-ve-moi-truong-ho-tay-post1688533.tpo