Bác sĩ – võ sư Nguyễn Văn Thắng, trưởng môn phái Thăng Long võ đạo, cho biết từ xưa trong “Tứ khí điều thận đại luận” đã viết: “Không trị bệnh đã mắc, mà chữa khi chưa mắc bệnh; không trị cái đã loạn, mà chữa khi chưa rối loạn. Bệnh đã thành mới dùng thuốc, loạn đã thành mới trị loạn, chẳng khác gì khát nước mới đào giếng, chiến đấu mới đi đúc chùy”.
Vì vậy đừng để khi có bệnh mới chữa, cần theo dõi cơ thể bằng cách thường xuyên căn cứ vào đặc trưng sinh lý của người mạnh khỏe, sớm nhận biết những dấu hiệu khác thường, từ đó dự đoán, kịp thời điều chỉnh, xử lý, tránh để bệnh tật phát triển.
Mắt phải “có thần”
Nói “có thần” là chỉ mắt sáng, sắc, con ngươi chuyển động linh hoạt và không lờ đờ. Những biểu hiện này của mắt chứng tỏ công năng sinh lý của thị giác và vỏ đại não tốt.
Tục ngữ có câu “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, Trung y có câu “Thần tùng ở tim, khai khiếu ở mắt”, y học cổ truyền còn cho rằng mắt có quan hệ với công năng của lục phủ ngũ tạng, con ngươi là nơi hội tụ tinh khí của lục phủ ngũ tạng.
Mắt đỏ, bệnh ở tim; mắt trắng bệnh ở phổi; mắt xanh bệnh ở gan; mắt vàng bệnh ở tì; mắt đen bệnh ở thận, nghĩa là đau mắt đỏ là tâm hỏa; bị màng trắng là phế hỏa; có màu vàng là trung tiêu thấp nhiệt; mắt sưng là can hỏa; mí mắt sưng là tì vị thấp nhiệt; vành mắt thâm quầng là thận hư.
Sắc diện phải hồng nhuận
Khí huyết sung mãn thì sắc diện ắt tươi nhuận, khí huyết suy giảm ắt sắc diện khô sạm. Xem sắc diện có tươi nhuận hay không, chủ yếu căn cứ ở nước da tươi nhuận hay khô sạm, độ màu đậm hay nhạt.
“Xanh như lông chim trả thì sống, đỏ như mào gà thì sống, vàng như gạch cua thì sống, trắng như mỡ heo thì sống, đen như lông quạ thì sống, đó là 5 màu thấy sống vậy”.
“Xanh như cỏ khô thì chết, vàng như chỉ thực (quất non) thì chết, đen như bồ hóng thì chết, đỏ như máu đông thì chết, trắng như xương khô thì chết, đó là 5 màu thấy chết vậy”.
Điều này ngụ ý sắc bệnh tuy đã hiển lộ nhưng còn sinh khí tươi nhuận thì còn chưa nguy hiểm. Sắc bệnh hiển lộ nhưng sinh khí khô khốc chứng tỏ vị khí, chân khí ngũ tạng khô kiệt. Qua đó, nên thường xuyên coi sắc diện mà phán đoán tình trạng sức khỏe của cơ thể.
Hô hấp phải nhẹ nhàng, từ tốn
Nhẹ nhàng, từ tốn có nghĩa là hít ra thở vào tự nhiên thoải mái, không bị bức bách.
Y học hiện đại cho rằng thường xuyên hô hấp khó khăn hay gặp ở người thừa cân, thiếu máu, bị các bệnh phổi hoặc tim mạch. Nếu đột nhiên hô hấp khó khăn có thể do dị vật làm tắc khí quản, cũng có thể do đờm dãi.
Người cao tuổi bị bệnh tim, nếu ban đêm phát sinh khó thở, phải khẩn trương xử lý. Một số người già muốn dễ ngủ, kê gối cao đầu, có thể đó là một triệu chứng của người thở kém.
Tiếng nói phải có khí lực
Phổi chủ khí, mà âm thanh do khí vang ra nên người nói có âm vang và trong phản ánh công năng của phổi rất tốt.
Nếu khí yếu, đoản khí, hụt hơi chứng tỏ phổi có vấn đề. Nếu phát không ra âm, gọi là “thất âm” (mất tiếng) là phế khi bị hư chứng hoặc thực chứng.
Nếu thấy ngoại thương như cảm mạo, phong hàn hoặc do ăn uống phần nhiều thực chứng. Nếu thấy nội thương như phế thận âm hư, tân dịch khô, bệnh mạn tính phát tán phần nhiều thuộc hư chứng.
Tóc phải khỏe và mượt
Tóc là phần dư của huyết, mà gan tăng huyết nên tóc khỏe và mượt phản ánh công năng tăng huyết của gan. Tóc xấu – tốt phụ thuộc vào sự thịnh suy của tinh khí thận. Sự sinh trưởng, rơi rụng, óng mượt của tóc phản ánh tình trạng sức khỏe của thận khí.
Không quá mập hay quá ốm
Quá mập hay quá ốm đều là có bệnh.
Người mập phần nhiều bị khí hư, đàm thấp, dễ trúng phong. Người quá mập cơ thể nặng nề, lượng oxi hao tốn hơn người bình thường 30 – 40%, mỡ tích nhiều, đẩy hoành cách mô lên cao, hạn chế phạm vi hoạt động của tim và phổi nên người mập thường hay tức ngực và thở dốc.
Người ốm nhiều hỏa, dễ bị ho lao. Người quá ốm có thể do cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, hoặc do tiêu hóa quá lớn, dự trữ quá ít và thường là kết quả của một số bệnh lý.
Tâm trạng phải ổn định
Nói tâm trạng ổn định là chỉ thất tình còn gọi là hỷ nộ điều hòa.
“Người biết dưỡng sinh điều hòa hỷ nộ mà an cư, được vậy ắt sống lâu”. Tâm lý ảnh hưởng trực tiếp tới sinh lý, trước những kích thích tình cảm từ bên ngoài, nên điều hòa vui buồn, tránh lo nghĩ, chống kinh sợ, rũ bỏ tạp niệm, giữ cân bằng tinh thần, cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của vỏ não, bệnh tật sẽ khó phát sinh.
Lưng và chân phải linh hoạt
Người già đi thì chân sẽ già trước, người chưa già thì lưng đã mỏi. Lưng và chân linh hoạt, đi đứng ung dung thoải mái, chứng tỏ gân cốt, kinh lạc và các khớp chân tay đều rất mạnh mẽ, có sức sống có lợi cho việc phong bệnh và chống lão suy.
Lưng là phủ của thận, thân hư ắt lưng mỏi, nếu thận khí sung mãn gân cốt khỏe mạnh, chân và tay linh hoạt còn nếu thận hư thì lưng sẽ mỏi, chân đau, đi đứng khó khăn, bất tiện.
Tiêu hóa và tiểu tiện bình thường
Có câu “Cửa trước buông lỏng, cửa sau khép chặt”. Cửa trước là chỉ tiểu tiện rất thông, không gặp trở ngại chứng tỏ hệ thống tiết niệu vô bệnh. Cửa sau là chỉ hậu môn có độ co giãn tốt, đường ruột không có bệnh đặc thù.
Răng lợi phải chắc chắn
Răng là phần dư của xương, mà thận chủ xương, nên răng chắc chừng tỏ thận khí, thận tinh đầy đủ. Nếu thận tinh hư suy, ắt răng rụng hoặc kém.
Mạch phải đều và hoãn
Hoãn là hòa hoãn. Mạch tượng phải ung dung và hòa hoãn vì khí huyết vận hành trong mạch đạo, nên mạch tượng có bình thường hay không đều phản ánh sự vận hành của khí – huyết. Huyết – khí bất hòa sẽ sinh ra trăm thứ bệnh.
Hai tai phải thính
Tai chủ thính giác, thận khí thông ở tai, cho thấy thính giác có quan hệ nội tại với thận. Mười hai kinh mạch, ba trăm sáu mươi lăm lạc… các thứ khí lạ đều đi ở tai mà thấy. Khi các bộ phận cơ thể bị bệnh có thể thông qua kinh lạc mà phản ánh ở tai, tai có quan hệ mật thiết với tổ chức khí toàn thân.
Trí nhớ phải tốt
Não là bể của tủy. Bể tủy sung mãn ắt tinh lực phân bố dồi dào, sức nhớ và năng lực phân tích lý giải tốt. Ngược lại, thận khí hư, bể tủy vơi cạn ắt trí nhớ suy giảm, năng lực phân tích phán đoán sa sút.
Ăn uống phải bình thường
Ăn uống ít nhiều có quan hệ trực tiếp đến sự thịnh suy của tì vị, ăn uống bình thường là phản ánh sức khỏe tì vị ổn định.
Nếu ăn uống suy giảm, không thiết ăn thì phần nhiều thuộc tì vị hư nhược hoặc thân dương không đủ. Nếu ăn quá nhiều, quá mức bình thường, lúc nào cũng đói thì vị hỏa quá thịnh, còn đói mà không muốn ăn phần nhiều là vị âm không đủ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhan-biet-benh-qua-dac-trung-sinh-ly-cua-co-the-2024110216022283.htm