Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeSức Khỏe4 sai lầm phổ biến 'cực nguy hiểm' của cha mẹ trong...

4 sai lầm phổ biến ‘cực nguy hiểm’ của cha mẹ trong nuôi dưỡng trẻ

TPO – Sức khỏe của trẻ nhỏ có liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa. Nói cách khác, giữ cho trẻ có hệ tiêu hóa tốt là bí quyết ‘nuôi con khỏe’ của các bậc cha mẹ.

Táo bón, tiêu chảy, phân sống, lười ăn hoặc kém hấp thu… là những bệnh của hệ tiêu hóa mà trẻ em hay mắc phải. Làm thế nào để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ mà còn của cả các y bác sĩ trong công tác điều trị, chăm sóc nhi khoa.

Chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) đã chia sẻ 4 sai lầm mà các bậc cha mẹ dễ mắc phải trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé yêu của mình.

1. Luôn cố gắng cho trẻ ăn nhiều chất bổ dưỡng để cao lớn, thông minh

Tâm lý cha mẹ luôn mong trẻ phải cao lớn, thông minh, không muốn trẻ bị thấp còi… Chính vì vậy, đa số cha mẹ đã ép trẻ ăn nhiều chất đạm, chất béo theo phương châm ‘càng nhiều càng tốt’. Thực tế, đây là sai lầm tai hại.

Trẻ nhỏ có hệ tiêu hoá còn non nớt, chưa phát triển đầy đủ. Nếu trẻ bị ép theo một chế độ ăn không đúng cách, bữa ăn không cân đối, không đảm bảm dinh dưỡng, thiếu hoặc thừa quá nhiều một trong 4 nhóm dưỡng chất (Nhóm bột đường; Nhóm chất đạm; Nhóm chất béo; Nhóm vitamin và khoáng chất…) sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của trẻ.

Chế độ ăn tăng cường bổ dưỡng khiến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ bị quá tải. Tất yếu sẽ gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến bị tiêu chảy, nôn trớ, đi ngoài phân sống… Một số trường hợp nặng hơn có thể làm tổn thương dạ dày, thận…

Trong khi đó, để trẻ phát triển chiều cao tối ưu, ngoài việc ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng và khoa học thì sự vận động là không thể thiếu. Đây là kiến thức về sức khỏe cơ bản nhưng nhiều bậc cha mẹ chưa thực sự lưu tâm.

Trong trường hợp ở trẻ có những biểu hiện của rối loạn tiêu hoá, các bệnh lý về tiêu hóa như: Táo bón, tiêu chảy, phân sống…thì cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn cũng như đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

2. Sợ con béo phì nên áp dụng chế độ ăn kiêng khem quá mức

Chúng ta cần nhớ rằng, dù trẻ có thể đang ở mức nguy cơ béo phì, nhưng không có nghĩa phải kiêng khem quá mức. Bởi vì cơ thể đang lớn của trẻ cần phải có một chế độ ăn phù hợp, cân đối với dinh dưỡng. Với tình trạng kiêng khem quá mức trong một thời gian dài thì sẽ dẫn đến nghịch lý đó là suy dinh dưỡng thể thừa cân, béo phì. Suy cho cùng, đây cũng là hậu quả của sự mất cân bằng giữa các nhóm chất trong chế độ dinh dưỡng. Những trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân, béo phì chính là đối tượng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có nhiễm khuẩn tiêu hóa, các bệnh đường ruột, tiêu chảy và các bệnh lý viêm phổi, còi xương…

4 sai lầm phổ biến 'cực nguy hiểm' của cha mẹ trong nuôi dưỡng trẻ ảnh 1 Những trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân, béo phì chính là đối tượng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ cần đến sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng. Chú ý cho trẻ ăn uống đủ chất đạm, chất bột, chất béo và nhóm vitamin, khoáng chất (rau quả tươi). Bên cạnh đó cần khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể lực. Cần hạn chế thời gian trẻ ngồi ‘bất động’ với chiếc máy điện thoại hoặc xem tivi, dưới 2 giờ/ngày.

4 sai lầm phổ biến 'cực nguy hiểm' của cha mẹ trong nuôi dưỡng trẻ ảnh 2 Dù trẻ có thể đang ở mức nguy cơ béo phì, nhưng không có nghĩa phải kiêng khem quá mức.

3. Tự ý dùng kháng sinh không có chỉ định của bác sĩ

Nhiều cha mẹ có phản xạ cho trẻ uống thuốc khi cơ thể có những trục trặc như ho, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, phân sống… Việc tự dùng thuốc cho trẻ, trong đó phổ biến nhất là việc dùng kháng sinh bừa bãi, sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy do miễn dịch của cơ thể trẻ còn non nớt. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây nên những triệu chứng rối loạn tiêu hóa tiêu biểu như phân sống, tiêu chảy.

Tai hại hơn, việc tự ý dùng kháng sinh lặp đi lặp lại sẽ gây tình trạng viêm đại tràng mạn tính, rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch ở trẻ.

Cha mẹ cần hiểu được cái gốc của vấn đề là muốn cơ thể trẻ khỏe mạnh, có sức đề kháng ngay từ những năm đầu đời thì từ khi có ý định mang thai người mẹ cần tiêm phòng đầy đủ và tiêm phòng cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi trẻ bệnh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ, cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.

4. Xử trí sai khi trẻ bị táo bón

Táo bón là tình trạng mà trẻ em hay mắc phải. Cha mẹ thường bị cảm giác ‘sốt ruột’ với hiện tượng này và nôn nóng giải quyết bằng cách tự mua men tiêu hóa, thậm chí là thụt tháo cho trẻ… Việc này không cải thiện được tình trạng táo bón mà còn có thể gây mất phản xạ đi đại tiện, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ còn quan niệm sai lầm rằng, men tiêu hoá có thể sử dụng tự do. Trong khi đó, bản chất men tiêu hóa cũng phải được sự chỉ định của bác sĩ, dùng khi trẻ cần tái lập lại hệ cân bằng vi khuẩn đường ruột.

Nếu áp dụng bừa bãi các biện pháp trị táo bón cho trẻ mà không đúng, sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống và quá trình tiêu hóa – hấp thu – chuyển hóa ở trẻ.

4 sai lầm phổ biến 'cực nguy hiểm' của cha mẹ trong nuôi dưỡng trẻ ảnh 3 Bổ sung thêm hoa quả giàu chất xơ khi trẻ bị táo bón.

Khi trẻ bị táo bón, ngoài việc cần có tư vấn của các nhà chuyên môn, cha mẹ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả giàu chất xơ, bổ sung lợi khuẩn vào khẩu phần ăn và cho trẻ uống đủ nước…

Đến tuổi nào thì trẻ ngừng phát triển chiều cao?
Đến tuổi nào thì trẻ ngừng phát triển chiều cao?

Võ Hồng Thu

Nguồn: https://tienphong.vn/4-sai-lam-pho-bien-cuc-nguy-hiem-cua-cha-me-trong-nuoi-duong-tre-post1688917.tpo

TienPhong Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay