Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong những tháng cuối năm 2024, bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là hoạt động nhằm minh bạch hóa lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc.
Cơ hội việc làm với chi phí thấp
Một trong những nội dung quan trọng trong đợt thanh tra, kiểm tra này của Bộ LĐ-TB-XH liên quan mức phí mà NLĐ phải bỏ để ra nước ngoài làm việc. Nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả của hoạt động XKLĐ đã được minh chứng nhưng mức phí ban đầu mà NLĐ phải bỏ ra đang là gánh nặng. Vì vậy, những chương trình XKLĐ phi lợi nhuận đang được NLĐ quan tâm.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian qua, đơn vị này tích cực tư vấn giới thiệu NLĐ tham gia đi XKLĐ qua những chương trình có mức chi phí thấp. Mới đây, trung tâm đã hoàn tất các thủ tục gửi 18 hồ sơ đủ điều kiện tham gia đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp theo chương trình EPS.
Đây là chương trình phi lợi nhuận được thực hiện bởi Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab – Bộ LĐ-TB-XH) nên NLĐ được hỗ trợ khá nhiều chi phí từ đào tạo, ăn ở, đi lại… Ngoài khoản tiền ký quỹ được ngân hàng cho vay ưu đãi, thực tế NLĐ chỉ phải đóng chưa tới 1.000 USD là có thể sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS với mức thu nhập khá cao.
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Colab, cho biết NLĐ tham gia chương trình EPS sẽ được lựa chọn làm việc trong 5 nhóm ngành nghề khác nhau, đó là sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu… Hàn Quốc có chính sách về lương và phúc lợi tương đối tốt, trong khi chi phí mà NLĐ bỏ ra để tham gia chương trình rất phù hợp nên số lượng NLĐ tham gia chương trình khá lớn. Theo ông Hồng, số lượng đăng ký dự tuyển tham gia chương trình EPS năm nay khá lớn cho thấy sự quan tâm của NLĐ đối với các chương trình phi lợi nhuận do Colab thực hiện.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao hiệu quả của các chương trình XKLĐ mà Colab đang thực hiện. Trong đó nhấn mạnh Bộ LĐ-TB-XH đang thúc đẩy tìm kiếm, hợp tác, đàm phán và ký kết với những thị trường lao động chất lượng cao, thu nhập tốt và ổn định để đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng cũng được đẩy mạnh để tăng cường bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp dịch vụ thu sai chi phí theo quy định.
Xu hướng chủ trả phí
Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết tại hội nghị lần thứ 17 mới đây của Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của NLĐ di cư, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) nhất trí tăng cường ngăn chặn buôn bán người và bóc lột lao động.
Theo bà Đức, hiện nay tình trạng di cư trong cộng đồng khối ASEAN là rất lớn, mỗi năm có khoảng 7 triệu người. Nhưng vấn đề đáng báo động hiện nay là việc lao động di cư phi chính thức (không có giấy tờ hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống) có xu hướng gia tăng. Di cư lao động quốc tế hiện đang đi theo xu hướng chủ sử dụng lao động trả phí.
ASEAN đang bắt đầu trao đổi, thảo luận về nội dung này. Đây là bước đột phá mới trong di cư lao động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho NLĐ di cư quay trở về để tận dụng được nguồn lực, tài chính và kinh nghiệm cần được quan tâm hơn.
Bà Yamada Rei, Điều phối viên dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đang cùng các đồng nghiệp thực hiện Dự án Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự án dự kiến được thực hiện trong vòng 5 năm và là dự án hỗ trợ kỹ thuật. “Chúng tôi mong muốn cung cấp môi trường làm việc an tâm và an toàn cho NLĐ Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở những kiến thức và kỹ năng có được, dự án hy vọng NLĐ sẽ quay trở về đóng góp vào phát triển kinh tế cho Việt Nam” – bà Rei nói.
Được vay 100% chi phí khi ra nước ngoài làm việc
Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, NLĐ có đất thu hồi trên địa bàn thành phố được hỗ trợ học nghề, vay vốn tạo việc làm trong nước hoặc được vay 100% chi phí cần thiết để đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Ngoài ra, NLĐ thuộc diện này còn được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học; tiền ăn, chi phí đi lại trong quá trình đi học; chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài…
Nguồn: https://nld.com.vn/thuc-day-di-cu-lao-dong-voi-chi-phi-hop-ly-196241105210524277.htm