Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeThời SựHà Nội thu hồi loạt nhà, đất sử dụng sai mục đích

Hà Nội thu hồi loạt nhà, đất sử dụng sai mục đích

Chiều 5/11, UBND TP Hà Nội sơ kết một năm đề án quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 (đề án) và triển khai đề án tổng kiểm kê tài sản công trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, thành phố đã ban hành kế hoạch phân công, phân nhiệm 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ.

Sau hơn một năm triển khai đề án, 15/29 nhiệm vụ có thời hạn đã hoàn thành hoặc báo cáo thành phố.

Trong đó, nổi bật là việc xây dựng các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn lực tài sản công; phân cấp, ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, thành phố đã thống kê, phân loại nợ đọng nghĩa vụ tài chính của quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước và từng bước thu hồi, khắc phục; thu hồi các cơ sở nhà, đất sử dụng không đúng quy định để đưa vào khai thác, quản lý hiệu quả…

Hà Nội thu hồi loạt nhà, đất sử dụng sai mục đích - 1

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV).

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng không đúng quy định và đã thu hồi được 56 địa điểm.

Trong số 56 địa điểm này có 6 địa điểm là nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước, 42 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa nhà tái định cư. Hiện các quận, huyện tiếp tục cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại.

Trên cơ sở phân loại 3 nhóm nợ, gồm nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay; nợ khó thu; nợ xấu, khó đòi, khả năng thu hồi nợ thấp, Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố chấp thuận chủ trương về phương án chi tiết thu hồi, xử lý các khoản nợ phải thu từ quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Đến nay, Công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã đôn đốc, thu hồi gần 228 tỷ đồng nợ đọng nghĩa vụ tài chính.

Tại hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, thành phố nhận thức tầm quan trọng của tài sản công với 7 nhóm tài sản công. Nếu không rà soát, xây dựng dữ liệu quản lý thì sẽ gây lãng phí.

Với Hà Nội, qua rà soát khi xây dựng đề án này thì số lượng, quy mô tài sản công rất lớn với đầy đủ 7 nhóm trong danh mục. Riêng tài sản của khối hành chính sự nghiệp là 455.000 tài sản/3.958 đơn vị.

Theo ông Hải, Hà Nội xây dựng đề án đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, chi tiết hướng đến từng giai đoạn, với tinh thần chung là giao nhiệm vụ theo phương châm “5 rõ”.

Về tăng cường phân cấp ủy quyền, ông Hải đánh giá cao Sở Tài chính đã đề xuất kịp thời phân cấp ủy quyền cho các đơn vị về quản lý tài sản công. Sắp tới, thành phố sẽ trao quyền mạnh hơn xuống người trực tiếp quản lý tài sản.

Về phân loại nợ và xác định nghĩa vụ tài chính, Sở Xây dựng triển khai, thu hồi cưỡng chế nợ được thực hiện rất quyết tâm; tiếp tục số hóa 455.000 tài sản khối hành chính sự nghiệp…

Ông Hải đề nghị Sở Tài chính chủ trì sớm triển khai các nội dung trong Luật Thủ đô; Nghị định 108 của Chính phủ. Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát “3Q” gồm toàn bộ quy hoạch ngành để tránh lãng phí; rà soát lại quy chế, quy trình liên thông để báo cáo các đơn vị; rà soát lại toàn bộ quy chuẩn tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá.

Sở Tài chính cũng được giao đẩy nhanh rà soát sắp xếp tài sản công; đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu theo tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”; có cơ chế cập nhật, tận dụng dữ liệu thông tin sẵn có để chia sẻ.

“Các sở chuyên ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài sản công chuyên ngành đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu do Sở Tài chính chủ trì, để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản công tập trung của thành phố”, ông Hải yêu cầu.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-thu-hoi-loat-nha-dat-su-dung-sai-muc-dich-20241105202403297.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay