Cấp tập chạy nước rút
Sáng nay (7.11), lãnh đạo UBND TP.HCM tổ chức lễ trao bằng khen của UBND TP cho các nhà thầu có thành tích xuất sắc trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạng mục thi công các gói thầu thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên).
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR – chủ đầu tư) cho biết sau thời gian dài xây dựng, đến nay dự án metro số 1 đã cơ bản hoàn thành việc thi công, lắp đặt thiết bị, đào tạo lái tàu và nhân viên vận hành. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đã chính thức tiến hành công tác vận hành thử (trial run) từ ngày 1.10 sau thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành cho nhân viên Công ty HURC1. Quá trình vận hành thử sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 do các chuyên gia tư vấn NJPT của Nhật Bản chủ trì, giai đoạn 2 được thực hiện bởi nhân viên của Công ty HURC1. Công tác này dự kiến kéo dài đến ngày 17.11 với 47 kịch bản khác nhau, từ vận hành thông thường cho đến các tình huống khẩn cấp như cháy nổ, mất điện, ngập nước, mất tín hiệu… ở các vị trí khác nhau trên phạm vi toàn tuyến metro số 1 (bao gồm đoạn trên cao và trong đường hầm). Trước khi vận hành thử, MAUR cũng đã hoàn thành việc ký kết các thỏa thuận với nhà thầu Hitachi và các nhà thầu xây dựng về việc sử dụng trang thiết bị của các nhà thầu phục vụ cho công tác đào tạo và vận hành thử. Trong quá trình này, các đoàn tàu sẽ chạy giống như vận hành thương mại sau này với khoảng cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây/chuyến.
Nhân viên vận hành của tất cả vị trí đều được huy động bao gồm lái tàu, điều độ ở trung tâm điều khiển (OCC), nhân viên ở các nhà ga… Tổng cộng sẽ có 71 người tham gia vận hành thử trong mỗi ca làm việc. Dự kiến mỗi ngày có 2 ca làm việc. Song song với quá trình trial run, các chuyên gia tư vấn đánh giá an toàn hệ thống BVT (Liên danh Bureau Veritas của Pháp và TEDI của VN) sẽ tiến hành theo dõi, chứng kiến và đánh giá sự thành thạo của nhân viên Công ty HURC1 trong các tình huống khẩn cấp.
Dự kiến, từ ngày 18 – 31.11, nhóm Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá an toàn để trình Cục Đường sắt thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của luật Đường sắt. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ tiến hành nghiệm thu để chấp thuận đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, dự kiến trong tháng 12.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM, tuyến metro số 1 phải được hoàn thành các thủ tục để đưa vào vận hành chính thức trong năm 2024. Đây là nhiệm vụ nặng nề và thách thức nhưng cũng là niềm tự hào rất to lớn, thể hiện sự gửi gắm niềm tin đối với MAUR và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, MAUR và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 còn phải xử lý khối lượng công việc rất lớn, trong đó có những vấn đề tồn đọng kéo dài cần sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan. Các đơn vị xác định đây là thời điểm cần sự nỗ lực và khẩn trương hơn bao giờ hết. Do đó, từ ngày 28.10 – 20.12, MAUR đã phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm làm việc xuyên ngày nghỉ, cấp tập mọi công tác để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đưa tuyến metro số 1 vận hành chính thức trong năm nay.
Sẵn sàng mọi phương án chạy tàu
Nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tổ chức khai thác thương mại tuyến metro đầu tiên của TP.HCM, UBND TP mới đây đã ban hành Quy định về quản lý, điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM. Quy định có 7 chương, bao gồm toàn bộ vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, vận hành các tuyến đường sắt đô thị (metro) như: xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải metro; vận tải hành khách; quyền và nghĩa vụ của hành khách, doanh nghiệp trong hoạt động vận tải hành khách trên metro; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan; và tổ chức thực hiện.
Cụ thể, biểu đồ chạy tàu được lập theo năm, đảm bảo mật độ chạy tàu, tốc độ chạy tàu tương ứng với năng lực của kết cấu hạ tầng, thời gian tàu đi đến đúng giờ, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng… Về phần vận tải hành khách, có 2 nội dung đáng chú ý là đặt tên nhà ga và phương án về giá vé. Theo đó, tên nhà ga không trùng nhau trên cùng một tuyến đường sắt và phù hợp với địa danh, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt, bãi đỗ xe đạp và điểm đón, trả khách của dịch vụ vận chuyển hành khách được ưu tiên bố trí theo quy định tại khu vực trong và xung quanh ga metro.
Vé hành khách đi metro được chia thành 2 loại: vé lượt và vé bán trước. Vé lượt là vé để hành khách sử dụng đi một lượt trên một tuyến đường sắt trong khoảng thời gian một ngày. Vé bán trước là vé để hành khách sử dụng đi lại thường xuyên trong khoảng thời gian một ngày hoặc dài hơn, trên một hoặc nhiều tuyến đường sắt. Hệ thống bán vé tại nhà ga phải áp dụng bán vé điện tử, đảm bảo hành khách có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau như tiền mặt, thẻ ngân hàng, thanh toán điện tử… Giá vé trên các tuyến sau khi được cấp thẩm quyền ban hành phải được doanh nghiệp niêm yết tại các ga đường sắt và công bố công khai trên trang thông tin điện tử trước thời điểm áp dụng.
Hôm 4.11, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Văn phòng UBND TP kiến nghị đăng tải dự thảo xây dựng Nghị quyết của HĐND TP về chính sách hỗ trợ người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện, cũng như hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tại TP. Cụ thể, về chính sách hỗ trợ giá vé cho người sử dụng xe buýt và tàu điện, ngân sách TP.HCM sẽ hỗ trợ 100% giá vé cho một số đối tượng chính sách, gồm: Người có công với cách mạng; người khuyết tật; người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và trẻ em dưới 6 tuổi có người lớn đi kèm. Trong 30 ngày đầu metro số 1 vận hành thương mại, TP.HCM sẽ chi ngân sách hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách đi tàu và trên 17 tuyến xe buýt kết nối.
Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng chính sách là hơn 32,6 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, kinh phí vận hành tàu điện để người dân trải nghiệm metro số 1 trong 30 ngày là 15,7 tỉ đồng. Kinh phí hỗ trợ cho hành khách đi 17 tuyến xe buýt kết nối với metro trong 30 ngày là 17,3 tỉ đồng. Bên cạnh chính sách miễn phí vé, TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện. Ngân sách TP sẽ bù đắp phần chênh lệch giữa doanh thu từ vé bán và chi phí hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.
Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện sẽ là 2.226 tỉ đồng/năm, trong đó hỗ trợ hoạt động của xe buýt là 1.843 tỉ đồng và 383 tỉ đồng cho tàu điện. Chính sách này dự kiến sẽ được trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 12.2024 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo tờ trình giá vé sử dụng metro vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM xem xét, khách đi metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến trả 6.000 – 20.000 đồng mỗi lượt, tùy hình thức thanh toán và quãng đường. Trong đó, khách đi vé lượt nếu dùng tiền mặt sẽ trả từ 7.000 – 20.000 đồng mỗi người, tùy quãng đường. Nếu chọn thanh toán không dùng tiền mặt, giá vé lượt sẽ giảm nhẹ, dao động từ 6.000 – 19.000 đồng. Đối với vé tháng (không giới hạn số lượt đi), áp dụng 300.000 đồng mỗi khách. Riêng học sinh, sinh viên mua vé tháng được giảm 50%, còn 150.000 đồng/tháng. Ngoài các loại vé trên, khách có thể mua vé 1 ngày hoặc 3 ngày, lần lượt 40.000 đồng và 90.000 đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/san-sang-don-metro-so-1-lan-banh-185241106222541648.htm