Cụ thể, giá heo hơi tại Đồng Nai được thương lái thu mua với giá 68.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg so với hai tuần trước đây và tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Ông Nguyễn Văn Cường (chủ trại heo tại huyện Xuân Lộc) cho biết sau khi giảm xuống dưới 60.000 đồng/kg, giá heo hơi bắt đầu tăng trở lại vào đầu tháng 12 và tăng mạnh trong những ngày gần đây. Tuy vậy, lượng heo trong dân không còn nhiều do dịch bệnh kéo dài suốt thời gian qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai – cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng mạnh vào dịp cuối năm, khi các doanh nghiệp chế biến tăng cường sản xuất chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2025.
“Theo quy luật hằng năm, khoảng một tháng trước Tết cổ truyền, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng, nhu cầu tăng nên giá heo hơi tăng theo”, ông Đoán nói.
Ngoài ra, theo ông Đoán, chính sách di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và không phù hợp quy hoạch được địa phương áp dụng, cộng thêm dịch tả heo châu Phi bùng phát cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tổng đàn heo trên địa bàn. Nhiều trại chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại và thậm chí dừng chăn nuôi.
Tuy nhiên theo ông Đoán, các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại lớn vẫn tăng trưởng tốt, chưa kể nhiều doanh nghiệp cũng tăng nhập khẩu thịt heo. Do vậy, thị trường thịt heo có thể tăng nhẹ trong thời gian ngắn và sẽ sớm ổn định trở lại, khó xảy ra tình trạng sốt giá, khan hàng.
Ông Nguyễn Trường Giang – chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai – cho biết toàn tỉnh đang có gần 2,1 triệu con heo, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, lượng heo vẫn đảm bảo cung ứng nhu cầu của người dân dịp cuối năm.
Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, mua bán heo bệnh…
Theo ông Nguyễn Trường Giang, từ đầu năm đến nay Đồng Nai đã phát hiện 7 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 5 huyện gồm: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và Định Quán.
Để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu các địa phương huy động các nguồn lực tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết. Chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh…
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-heo-hoi-tang-nhung-kho-sot-gia-20241224103140226.htm