Táo tàu hay táo đỏ là một loại quả ngọt có thể được sấy khô và dùng làm món tráng miệng hoặc ăn tươi như một món ăn nhẹ lành mạnh.
Lợi ích của quả táo đỏ
Táo đỏ từ lâu đã được sử dụng trong y học để điều trị các tình trạng như mất ngủ và lo âu. Các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm chỉ ra rằng loại quả này có thể mang lại lợi ích sức khỏe ấn tượng cho hệ thần kinh, khả năng miễn dịch và tiêu hóa.
Giàu chất chống oxy hóa
Theo Healthline, táo đỏ rất giàu một số hợp chất chống oxy hóa, chủ yếu là flavonoid, polysaccharides và axit triterpenic. Chúng cũng chứa hàm lượng vitamin C cao, cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa.
Chất chống oxy hóa là hợp chất có thể ngăn ngừa và đảo ngược tổn thương do các gốc tự do dư thừa gây ra. Tổn thương gốc tự do được cho là tác nhân chính gây ra một số tình trạng bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư.
Do khả năng chống lại các gốc tự do, chất chống oxy hóa có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy hoạt động chống oxy hóa của flavonoid trong táo đỏ giúp giảm căng thẳng và tình trạng viêm do tổn thương gốc tự do ở gan.
Có thể cải thiện giấc ngủ và chức năng não
Táo đỏ được sử dụng rộng rãi trong y học để cải thiện chất lượng giấc ngủ và chức năng não. Nghiên cứu mới nổi cho thấy chất chống oxy hóa độc đáo của chúng có thể chịu trách nhiệm cho những tác dụng này.
Chiết xuất từ quả và hạt táo tàu đã được phát hiện có thể làm tăng thời gian và chất lượng giấc ngủ ở chuột. Ngoài ra, loại quả này thường được các bác sĩ y học cổ truyền kê đơn để giảm lo âu.
Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm chỉ ra rằng nó có thể cải thiện trí nhớ và giúp bảo vệ các tế bào não khỏi bị tổn thương do các hợp chất phá hủy thần kinh.
Có thể tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại tế bào ung thư
Táo đỏ có thể tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Một nghiên cứu trong ống nghiệm lưu ý rằng polysaccharides có trong táo đỏ, là loại đường tự nhiên có đặc tính chống oxy hóa, có thể chống lại các gốc tự do, trung hòa các tế bào có hại và giảm viêm.
Giảm mức độ viêm và các gốc tự do có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường type 2.
Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng lignin trong táo đỏ, một loại chất xơ có đặc tính chống oxy hóa, thúc đẩy sản xuất các tế bào miễn dịch và tăng tốc độ các tế bào này trung hòa các hợp chất có hại.
Táo đỏ cũng giàu vitamin C, được cho là có đặc tính chống ung thư mạnh mẽ. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy tiêm vitamin C liều cao có thể tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến giáp.
Thêm vào đó, các nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng chiết xuất táo đỏ tiêu diệt một số loại tế bào ung thư, bao gồm tế bào ung thư buồng trứng, cổ tử cung, vú, gan, ruột kết và da.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những lợi ích này chủ yếu là kết quả của các hợp chất chống oxy hóa trong quả. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều được tiến hành trên động vật hoặc ống nghiệm, vì vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người trước khi có thể đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.
Một số lưu ý khi ăn táo đỏ để đảm bảo an toàn
Theo y học cổ truyền, táo đỏ là táo được phơi hoặc sấy khô tự nhiên và là một vị thuốc có tính ấm, vị ngọt, có tác dụng bổ khí và an thần. Loại táo này thường có trong các bài thuốc chữa mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Cùng với ưu điểm dễ dàng bảo quản, có thể ăn ngay, phù hợp với nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, để tối ưu lợi ích và tránh những tác hại khi sử dụng không đúng cách, Bác sĩ Nguyễn Thị Yến Ngân, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, lưu ý một số điểm sau:
– Không nên lạm dụng: Táo đỏ là một vị thuốc bổ, việc ăn quá nhiều có thể gây tích nhiệt trong cơ thể, đặc biệt ở những người có cơ địa nhiệt (nóng, khô và dễ khát, dễ bị táo bón).
– Hạn chế khi có bệnh về nhiệt: Nếu bạn đang có triệu chứng sốt, nổi mụn, lở miệng, táo bón hoặc tiểu gắt, bạn nên hạn chế ăn táo đỏ, vì chúng có thể khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn.
– Linh hoạt kết hợp với các vị thuốc khác như kỷ tử, long nhãn, hạt sen, ý dĩ… trong một số món ăn như gà hầm, chè dưỡng nhan, yến chưng…
Việc dùng chung còn giúp quân bình được phần nhiệt – hàn và tăng thêm sự thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, việc kết hợp này nên được tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
– Ăn có kiểm soát: 100g táo đỏ có thể cung cấp khoảng 281 kcal. Vì thế, nếu ăn không kiểm soát, bạn sẽ dễ tăng cân, béo phì.
Hơn nữa, táo đỏ còn có chỉ số đường huyết cao (GI >70), không phù hợp cho những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Bác sĩ khuyên để tận dụng tối đa lợi ích và tránh những tác hại không mong muốn, việc sử dụng đúng cách và điều độ là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần nhớ rằng táo đỏ là một vị thuốc. Theo khuyến nghị, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn khoảng 3-5 quả táo đỏ, tùy vào kích thước của quả táo.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/an-nhieu-tao-do-loi-hay-hai-20250109125139606.htm