
Các video ngắn sử dụng công cụ AI để tạo hình ảnh, nhân vật, âm thanh… phổ biến hiện nay – Ảnh: YẾN TRINH
Đầu tháng 2-2025, Nguyễn Thùy Linh (27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đi phỏng vấn vị trí sáng tạo nội dung. Sau khi trả lời về kinh nghiệm làm việc và chuyên môn, nhà tuyển dụng đã hỏi cô như vậy.
AI (trí tuệ nhân tạo), cụ thể là các công cụ như ChatGPT, Gemini… đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Gần đây nhiều bạn đi phỏng vấn được nhà tuyển dụng hỏi sự hiểu biết về AI cùng khả năng sử dụng công việc, cho thấy AI ngày càng dấn sâu thị trường lao động.
Nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội tận dụng AI, người lao động coi AI là bạn đồng hành, sinh viên dùng AI hỗ trợ học tập… Từ đó, các lớp hướng dẫn dùng AI cũng nở rộ.
Gắn bó lĩnh vực 5 năm nay và khá tự tin về kỹ năng và kiến thức, cô không bất ngờ vì có lường trước: “Tôi trả lời là sự cạnh tranh nằm ở yếu tố con người. Chỉ con người mới hiểu về thương hiệu và định hướng AI làm theo ý mình”.
Ghi câu lệnh AI hay dùng
Phía nhân sự yêu cầu Linh ghi câu lệnh AI cô hay dùng cho ChatGPT. Theo cô, yêu cầu này nhằm tìm hiểu kỹ năng vận dụng AI của ứng viên thế nào. Qua đó, cô chia sẻ kinh nghiệm các bạn trẻ đi phỏng vấn nên chuẩn bị sẵn vài câu lệnh và danh sách một số công cụ AI phổ biến theo ngành của mình càng tốt.
Câu chuyện của Linh không hiếm trong thời đại AI chiếm ưu thế hiện nay. Cô kể: “Tôi thường dùng AI cho các công việc có tính kỹ thuật và cần sự nhanh chóng như dịch thuật, nghiên cứu thông tin thị trường, dẫn chứng tài liệu, thống kê số liệu. Tôi cũng dùng để được gợi ý thêm ý tưởng mới, sáng tạo nội dung”.
Theo cô, các ứng dụng AI trong công việc thực chất đã sử dụng từ lâu, như công cụ hiệu chỉnh lỗi chính tả tiếng Anh, dịch thuật, làm hình ảnh theo mẫu…
Đối với ngành nghề sáng tạo nội dung, có lẽ điều lo lắng nhất là cạn ý tưởng. Do đó, AI giúp cô tăng hiệu suất công việc và hỗ trợ khá tốt về mặt đưa ý tưởng, hệ thống hóa và tìm kiếm thông tin nhanh. Nhưng Linh không lệ thuộc AI, vì “chúng là sản phẩm của con người và luôn luôn không thể so sánh với chúng ta”.
“Hãy viết đoạn code chạy Macro (tự động hóa các tác vụ) trong Excel để so sánh dữ liệu các bảng Excel khác nhau” – Trương Lộc (29 tuổi, quê Quảng Nam) gõ câu lệnh vào ứng dụng AI để phục vụ cho công việc trong lĩnh vực điện tử. Kết quả nhanh chóng khiến anh hài lòng.
“Các công cụ AI giúp thu thập và trình bày thông tin khá tổng quát, ngắn ngọn, trọng tâm thay vì phải lướt trên các trang tìm kiếm thông thường như Google, Bing… AI có chức năng suy luận nên những thông tin cần tính logic thì AI vượt trội hơn so với các trang kia”, Lộc nói. Ngoài ChatGPT, anh dùng thêm DeepSeek và các công cụ vẽ hình ảnh StarryAI, Midjourney…
Lộc thường dùng chúng tìm kiếm thông tin phục vụ công việc, thị trường ngành. Anh còn dùng suy luận xu hướng thị trường trong tương lai gần như sẽ phát triển sản phẩm mới nào để nghiên cứu và đầu tư trước.
Anh chia sẻ: “ChatGPT còn giống như một lập trình viên tạo các câu lệnh, dòng code để sử dụng cho Excel, lập trình nhanh hơn so với tự viết. Tôi cũng thường dùng để dịch tiếng Việt sang tiếng Trung”.

Anh Trương Lộc thường dùng các công cụ AI hỗ trợ công việc nhanh chóng hơn – Ảnh: YẾN TRINH
Cập nhật, nâng cấp cách dùng
Theo thời gian, Lộc chú ý cập nhật tiện ích các công cụ kể trên. Anh thường gõ những yêu cầu chi tiết hoặc đưa ra những ví dụ cho ChatGPT trước như kiểu “dạy học” cho nó, trước khi bắt nó trả lời. Ở nơi anh làm việc, mọi người thường ứng dụng AI và khi có công cụ hiệu quả hơn hoặc mẹo dùng thú vị sẽ chia sẻ cho nhau.
Không chỉ dừng lại ở những câu lệnh và hình ảnh, trong khía cạnh ứng dụng đời thường, công cụ AI còn làm được nhiều hơn thế. Trên mạng xã hội, những kênh hàng triệu lượt theo dõi có “nhân vật” chính là người ảo, nhân vật hoạt hình nói về sản phẩm kinh doanh, cuộc sống, làm đẹp…
Chẳng hạn, chỉ với vài đoạn gốc quay cảnh mình đang đứng nói chuyện như một MC, cảnh ngồi làm việc và các hình ảnh về sản phẩm bánh ăn sáng, anh Hoàng Cường (nhà sáng tạo nội dung) đưa vào ChatGPT và các công cụ chỉnh sửa như HeyGen để tạo thành video nói về lợi ích loại bánh này.
“Như vậy tôi không cần tốn nhiều thời gian, nhân lực và có thể tạo ra nhiều nội dung nhanh chóng để đăng nhiều ngày, thay vì hồi trước một tuần chỉ làm được 3-4 clip. Tôi còn có thể đổi âm thanh giọng nói thành tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Hàn mà vẫn khớp với video”, anh cho biết.
Bên cạnh đó, vô số kênh được tạo từ AI thu hút hàng triệu lượt xem. Bạn trẻ thích thư giãn giải trí bằng cách xem các clip suối chảy, con đường quê cùng nền nhạc hoài niệm. Hoặc các clip ảo tưới hoa, hát, nói về giá trị cuộc sống… Người học ngoại ngữ dễ dàng theo dõi những clip dạy phát âm, hội thoại tiếng Anh tạo từ AI với giọng thu hút “đỉnh nóc kịch trần”.
Dù hữu dụng, các bạn chia sẻ rằng phải biết cách dùng AI cho hiệu quả. “AI tổng hợp kiến thức, nên khi tiếp nhận thông tin cần thẩm định để đảm bảo tính xác thực. Và các công cụ AI hầu hết đều có lời nhắc kiểm tra thông tin.
Các bạn nên biết thêm một số kỹ năng như phân tích và xử lý, thẩm định thông tin, hệ thống kiến thức và dữ liệu, tư duy logic… để dùng AI hiệu quả hơn”, Thùy Linh nói.
Thời của AI

Bạn trẻ dùng ChatGPT soạn thảo thư mời họp trong vài giây, sau đó chỉnh sửa một chút văn phong – Ảnh: YẾN TRINH
Nghiên cứu gần đây của Công ty nghiên cứu tư vấn công nghệ Gartner (Mỹ) cho kết quả 70% các công ty đã hoặc sẽ triển khai AI vào các chiến lược kinh doanh của họ trong vòng ba năm tới.
Theo chuyên trang việc làm Vietnamworks, AI không chỉ được áp dụng trong các lĩnh vực công nghệ hay nghiên cứu mà đang lan rộng ra mọi ngành nghề. Tesla, Microsoft và IBM đã sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất, hỗ trợ ra quyết định, thậm chí cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Tập đoàn kiểm toán và tư vấn toàn cầu PwC dự báo đến năm 2025 AI có thể đóng góp tới 15,7 ngàn tỉ USD kinh tế toàn cầu, tương đương 14% GDP thế giới, cho thấy AI không chỉ là xu hướng mà là lực lượng thay đổi mạnh mẽ cách thức con người làm việc.
Cần “chuốt” lại cho chính xác
Theo thạc sĩ Lê Anh Tú – giám đốc điều hành iGem Agency, các nghiên cứu cho thấy có bốn cấp độ sử dụng AI từ chưa biết gì, sử dụng cơ bản, thành thạo, cho đến tạo ra và điều khiển AI. Chúng ta hiện nay thường ở các mức sử dụng cơ bản hoặc chưa biết gì và trước yêu cầu của thị trường, làm thế nào trở nên tương đối thành thạo, rồi thành thạo.
Quan sát xu hướng phỏng vấn tuyển dụng hiện nay, có thực tế các nhà tuyển dụng trao đổi với ứng viên về AI. Tuy nhiên, theo ThS Tú, nhà tuyển dụng nên đưa ra “đề bài” cụ thể để xem ứng viên có đáp ứng nhu cầu mà phía nhà tuyển dụng mong muốn.
ThS Lê Anh Tú lưu ý dù các công cụ AI được ứng dụng nhiều để hỗ trợ ý tưởng, kế hoạch… nhưng sau đó chúng ta phải dùng kinh nghiệm để “chuốt” lại cho chính xác. Chẳng hạn trong lĩnh vực truyền thông, nếu ta dùng AI theo kiểu quá máy móc và “giả” thì không đạt hiệu quả. Chưa kể có những sản phẩm từ AI như hình ảnh, clip chưa được chính xác.
“Công cụ AI đang giai đoạn bùng nổ, nhưng để có sự chính xác và chuyên nghiệp, người dùng cần lưu ý những vấn đề này và gia công lại sản phẩm mà AI đã tạo ra. Nhất là với những thông tin cần kiểm chứng trong quá trình tổng hợp”, anh chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-tre-cuon-vao-ai-nha-tuyen-dung-hoi-xai-ai-ra-sao-20250224105157722.htm