(PLO)- Người bị đau đầu nên đi thăm khám để được tư vấn về việc nên uống trà gừng hay không.
Gừng là thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chất chống oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh như tiểu đường, ung thư, bệnh về tim mạch…
Gừng thuộc họ Zingiberaceae, có xu hướng phát triển ở vùng khí hậu ấm. Gừng là loại củ có vị cay nồng, thường được sử dụng trong y học và ẩm thực hàng ngày.
Ngoài việc dùng gừng như một loại gia vị thì gừng có thể được chế biến thành một loại trà tốt cho sức khỏe.
Trà gừng cung cấp nhiều dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, bao gồm kali, canxi, photpho, magie, vitamin C, vitamin B9 (folate), choline, selen…
Mặc dù được gọi là trà nhưng thực chất trà gừng không chứa lá trà và do đó không có caffein. Trước khi sử dụng, chúng ta phải ngâm gừng tươi hoặc phơi khô hay pha bột gừng trong nước nóng. Đây là loại thức uống thơm ngon, bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Người bị đau đầu được uống trà gừng bởi trà gừng có thể hỗ trợ cải thiện và giảm chứng đau đầu.
Tuy nhiên, người bị đau đầu nên đi thăm khám để được bác sĩ kiểm tra tình trạng cụ thể, điều trị theo từng trường hợp và có thể tư vấn về việc nên uống trà gừng hay không, uống như thế nào, tránh dung nạp dư thừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Uống trà gừng có thể hỗ trợ làm dịu cơn đau đầu khởi phát do các yếu tố như căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu bắt nguồn từ các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ sớm để tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thời điểm sử dụng thích hợp để người bị đau đầu uống trà gừng là vào buổi sáng, sẽ góp phần cải thiện tâm trạng, đồng thời tăng cường năng lượng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả cả ngày dài.
Uống trà gừng ấm vào buổi tối trước khi ngủ sẽ góp phần làm giảm các vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, buồn nôn… hỗ trợ cải thiện chứng đau đầu và giúp ngủ ngon hơn.
Đối tượng cần đặc biệt thận trọng và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc đau đầu uống trà gừng được không, bao gồm:
Thai phụ hoặc phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú, người mắc bệnh về dạ dày – tá tràng, người mắc bệnh sỏi mật, người gặp phải tình trạng rối loạn chảy máu, người mắc bệnh về gan, người có cơ địa bị kích ứng với gừng…
Nguồn: https://plo.vn/bi-dau-dau-uong-tra-gung-duoc-khong-post818251.html