Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) vừa qua tiếp nhận các bệnh nhi (BN) nhập viện trong tình trạng bị phản vệ, đe dọa tính mạng liên quan đến sử dụng thuốc không an toàn.
Gần đây nhất là BN 7 tuổi (ở Hà Giang) được chuyển đến trong tình trạng sốt cao, phát ban nhiễm trùng, nổi mẩn ngứa toàn thân, mệt mỏi, đau vùng thượng vị, khó thở, nhịp tim nhanh, bụng chướng.
Tại Trung tâm Nhi khoa, qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ được biết, trước nhập viện 5 ngày, BN bị ho khan, không sốt, gia đình đã tự mua thuốc kháng sinh, thuốc ho, thuốc kháng viêm cho trẻ uống.
Sau khi uống thuốc được 1 ngày, BN xuất hiện tình trạng đau bụng, sốt gần 38 độ C, mẩn ngứa, phát ban toàn thân. Gia đình lại tiếp tục cho con uống thêm thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên, các triệu chứng không giảm.
Khi thấy trẻ càng nổi nhiều mụn đỏ hơn và ngứa nhiều hơn, bụng đau dữ dội, gia đình mới đưa trẻ đến BV gần nhà. Tại đây, BN được chuyển tới BV Bạch Mai (Hà Nội).
Tại BV Bạch Mai, qua khám lâm sàng và các xét nghiệm, BN được chẩn đoán phản vệ độ 2, nghi do dị ứng thuốc, trong đó có một số thuốc kháng sinh, long đờm, chống viêm, chống dị ứng và số thuốc viên không có bao bì nhãn mác.
Theo đánh giá của Trung tâm Nhi khoa, với BN trên, rất may đã được xử trí ngay theo phác đồ chống phản vệ ở trẻ em tại BV tuyến dưới và được chuyển đến BV Bạch Mai để tiếp tục điều trị. Sau hơn 1 tuần điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, BN đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục sức khỏe.
Thuốc là nguyên nhân gây phản vệ cao nhất
Qua thực tế các ca lâm sàng phản vệ phải cấp cứu và điều trị tích cực, Trung tâm Nhi khoa – BV Bạch Mai lưu ý các gia đình: Căn nguyên dẫn đến phản vệ rất đa dạng, hàng đầu là thuốc, hóa chất thâm nhập vào cơ thể theo đường ăn, uống, hít qua đường thở, hoặc qua đường máu như tiêm, truyền…
Trong y tế có nhiều loại thuốc cần lưu ý có thể gây phản vệ như thuốc kháng sinh, thuốc gây mê, gây tê, thuốc chống viêm, các loại vắc xin, các dịch truyền qua tĩnh mạch, thuốc cản quang.
Trong đời sống, những hóa chất như sơn ta, sơn dầu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng… cũng có thể gây dị ứng và phản vệ với cơ địa từng cá thể. Tiếp đó là một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng, từ thực vật lạ, từ hải sản, đồ uống có hóa chất cũng có thể gây dị ứng và phản vệ. Nọc côn trùng truyền qua vết đốt cũng cần lưu ý.
Cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc, nhà trường và gia đình tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con em uống mà chưa có đơn của bác sĩ chuyên khoa tại cơ sở y tế, không cho trẻ tiếp xúc với hóa chất, không nên chơi đùa ở môi trường có côn trùng và quản lý tốt nguồn thực phẩm, thuốc, hóa chất đối với trẻ em.
Phản vệ (trước đây gọi là sốc phản vệ) ở trẻ em là phản ứng quá mẫn, tức thì của cơ thể khi có sự xâm nhập dị nguyên (các loại thuốc, thức ăn) vào cơ thể.
Phản vệ là tình trạng y tế khẩn cấp, cần được chẩn đoán nhanh, cấp cứu, xử trí sớm nhất và cần được điều trị tích cực để bảo vệ tính mạng cho trẻ.
Biểu hiện lâm sàng của phản vệ rất đa dạng tại nhiều cơ quan như: hô hấp (nghẹt mũi, hắt hơi, phù thanh quản, khó thở, co thắt phế quản, co rút cơ hô hấp, ngưng thở), tim mạch (nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, ngừng tim), thần kinh (rét run, vã mồ hôi, sốt, đau đầu, chóng mặt, co giật, hôn mê, vật vã, chân tay run, choáng, ngất), tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, đại tiểu tiện không tự chủ, đại tiện ra máu), da liễu (mày đay, ban đỏ, mẩn ngứa).
Khi thấy con em có những biểu hiện bất thường, cần khẩn trương đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bi-phan-ve-do-tu-dung-nhieu-loai-thuoc-185241103181439343.htm