Bác sĩ Đào Việt Phương – phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết hơn một tuần trước, cụ ông Đào Văn Dễ, 103 tuổi, vào Bệnh viện Bạch Mai sau khi trận chung kết lượt đi Việt Nam – Thái Lan vừa kết thúc.
Theo con cụ Dễ, cụ xem hết trận, khi tỉ số 2-1 nghiêng về Việt Nam, cụ hào hứng hô to rồi xỉu dần, sau đó có dấu hiệu “mềm người như dưa”, con cụ thấy có vẻ cụ bị đột quỵ nên 10 phút sau thì gọi cấp cứu, 90 phút sau thì có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi được cứu sống, cụ vẫn nhớ từng bàn thắng mà các tuyển thủ Việt Nam sút tung lưới của Thái Lan.
Bài học về lối sống và tình yêu thương
Bác sĩ Phương chia sẻ đây là ca bệnh khó, khi vào viện cụ Dễ đã méo miệng, liệt nửa người. Bệnh nặng trên cơ địa người cao tuổi, các bác sĩ đã hội chẩn nhanh và đưa ra quyết định sử dụng cùng lúc 2 loại thuốc. Đây là chỉ định thường quy ở bệnh viện, nhưng là lần đầu tiên họ sử dụng trên người cao tuổi như cụ.
Rất may mắn là gia đình cụ tích cực phối hợp, nên sau khi dùng thuốc và điều trị tích cực, cụ Dễ tỉnh dần, đến nay cụ hồi phục hoàn toàn cả về vận động và trí nhớ. Cụ còn nhớ cả bài thơ cụ làm để đọc tặng các bác sĩ. Ở tuổi 103, ông cụ nói vanh vách, chỉ có chút hơi nặng tai làm ai cũng phục sát đất.
Đi cùng cụ đến bệnh viện là con trai cả 81 tuổi, con gái thứ tư 75 tuổi, con trai thứ hai 77 tuổi. Cháu đích tôn của cụ đã 61 tuổi và đã có cháu nội, tức là chắt của cụ Dễ (có nơi gọi là cháu cố), chắt của cụ cũng đã có con. Người miền Bắc gọi con của chắt là chút, tính đến nay cụ có 23 chắt (23 cháu cố) và 6 chút.
Bà Đào Thị Nhật, con gái thứ tư của cụ, cho biết cụ Dễ vẫn ăn uống bình thường, ngày cụ ăn ba bữa nhưng món ăn đơn giản, ăn nhiều rau, bữa trưa cụ ăn cơm với hai món rau, hay ăn vừng, lạc, ít ăn thịt, tối cụ ăn cháo hoặc cơm. Từ khi nghỉ hưu (năm 1981) đến nay cụ không hút thuốc, sinh hoạt điều độ, 20h30 hằng ngày cụ đi ngủ.
Một điều đặc biệt nữa là tình yêu thương của gia đình dành cho cụ và của cụ dành cho gia đình.
Theo ông Đào Tuấn Nhã – con cả của cụ, cả đời cụ Dễ dễ tính, vui vẻ, không bao giờ mắng vợ con, không cãi nhau với ai. Vợ cụ cũng thượng thọ, mới qua đời năm 2019 ở tuổi 96. Cả gia đình cụ đến nay vẫn quây quần bên nhau, trong đó cụ ở chính với gia đình người con gái thứ 4.
“Tôi thấy điều cần học ở gia đình này là tình yêu thương và lối sống” – một người chứng kiến câu chuyện của cụ nói.
Kiến thức của gia đình rất giỏi, đến muộn hơn sẽ khó
Theo ông Đào Xuân Cơ – giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến hành trình hồi phục nhanh của cụ Dễ, ngoài sự nỗ lực của các bác sĩ còn là việc gia đình đã nhận biết sớm cụ có dấu hiệu đột quỵ, đưa cụ đến sớm trong “giờ vàng” là trong sáu giờ kể từ khi có dấu hiệu bệnh.
“Cụ đã được đưa đến bệnh viện sớm và được cấp cứu trong vòng 4 giờ 30 phút tính từ khi có dấu hiệu bệnh. Đó là thời gian quan trọng để bệnh viện thực hiện cấp cứu đột quỵ, kiến thức của gia đình rất tốt. Chúng tôi đang hỗ trợ các địa phương để đưa cấp cứu đột quỵ về các tỉnh thành, qua đó sẽ có nhiều người bệnh đến bệnh viện được sớm hơn và được cứu sống” – ông Cơ nói.
Với ca bệnh đặc biệt này, ông Cơ cho biết Bệnh viện Bạch Mai sẽ nhận chăm sóc sức khỏe của cụ từ nay trở đi, 3 tháng sẽ đến tận nơi khám định kỳ cho cụ hoặc mời cụ đến bệnh viện. Sau khi được con trai nói lại ý định này của bệnh viện, cụ Dễ vui vẻ nhận lời.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-quyet-song-khoe-cua-cu-ong-103-tuoi-vuot-qua-dot-quy-sau-tran-bong-da-viet-nam-thai-lan-20250110161556794.htm