Lan, 20 tuổi, ở TP HCM chi hơn chục triệu đồng mua 4 hộp collagen uống để “mãi mãi thanh xuân”, song bác sĩ khuyến cáo hiểm họa của việc bổ sung vô tội vạ.
Lan sử dụng được vài tuần nay sau khi nghe truyền miệng collagen giúp “cải lão hoàn đồng”. Ban đầu, cô chỉ dùng một loại cố định với liều lượng như hướng dẫn. Khi được khen “da đẹp hẳn ra”, Lan quyết định đặt mua thêm 4 hộp đủ dạng thông qua một tài khoản Facebook, được quảng cáo là “hàng xách tay”, tổng cộng hơn 10 triệu đồng. Cô uống nhiều lần mỗi ngày với mong muốn đạt hiệu quả nhanh và chống lão hóa “càng nhiều càng tốt”.
Hai tháng sau, làn da không cải thiện nhiều, thậm chí còn xấu đi và xuất hiện mụn. Cô gọi điện hỏi người tư vấn thì nhận được câu trả lời là: “Tùy cơ địa mỗi người. Nếu chưa thấy tác dụng thì uống thêm nữa xem sao”.
Mụn trên da ngày càng dày đặc khiến Lan lo lắng nên đi khám. Bác sĩ xác định sự gia tăng collagen ảnh hưởng đến sự cân bằng của các protein khác trong cơ thể, gây mụn trứng cá. Lan được kê thuốc uống và bôi để điều trị mụn, hướng dẫn chăm sóc da và điều chỉnh lại lượng collagen cần uống nhằm giữ da khỏe, đẹp lâu dài.
Tương tự, Hân, 18 tuổi, ở Đồng Nai, luôn tự ti vì trông già hơn tuổi bởi làn da sạm và nhiều vệt tàn nhang trên mặt. “Ai cũng nói chắc là tôi già sớm nên mới 18 mà nhìn cứ như 27, 28 tuổi”, Hân kể.
Bạn cùng phòng mách dùng collagen da sẽ “ngưng” lão hóa, sáng bừng “không tì vết”, cô lên mạng tìm hiểu và mua 3 gói bột collagen được giới thiệu xuất xứ Hàn Quốc với tổng trọng lượng 1,5 kg về dùng thử. Hằng ngày sau giờ ăn cơm, Hân đều lấy một cốc nước lớn đổ 2 muỗng collagen vào khuấy đều rồi nhắm mắt nuốt từng ngụm.
“Nhân viên tư vấn bảo liệu trình 3 gói nhưng uống hết một gói thôi là da sẽ đẹp lên trông thấy”, Hân kể, thêm rằng dù đã uống hết 2/3 số collagen mua, song da không sáng mịn như quảng cáo mà càng sạm hơn, những vệt tàn nhang cũng đậm màu hơn. Vừa nản chí lại mất lòng tin, Hân quyết định ngừng sử dụng, may mắn chưa gặp tác dụng phụ hay ảnh hưởng sức khỏe.
Hiện, các loại collagen được đưa ra thị trường với nhiều hình thức khác nhau cho mỹ phẩm, dược phẩm, thức uống, bao gồm dạng kem, gel, nước thoa, đắp, uống (dược, mỹ phẩm); loại viên, bột, nước uống (thực phẩm chức năng)…
Mỗi loại có mức giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, nguồn gốc khác nhau khiến người mua như “lạc vào ma trận”. Cả người bán đôi khi cũng không hiểu hết về sản phẩm collagen mà mình đang kinh doanh.
Có cả loại collagen bán theo kg, giá trên dưới một triệu đồng một kg. Nếu người mua có ít tiền, người bán sẵn sàng chia nhỏ bao lớn, bán theo từng gam với hướng dẫn mua về pha vào nước lọc, nước cam, cà phê uống hằng ngày.
Theo bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, collagen là protein cấu trúc chính có trong các mô liên kết khác nhau của cơ thể (da, xương, gân…), góp phần tạo nên sức mạnh và độ đàn hồi của các mô này.
Quá trình sản xuất collagen của cơ thể bắt đầu suy giảm ở độ tuổi từ giữa đến cuối 20 và đầu 30, bắt đầu mất 1% lượng collagen mỗi năm sau đó. Bước sang tuổi 40, collagen giảm sút trầm trọng dẫn đến các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, da chảy xệ, khô da và mất năng lượng.
Do đó, bổ sung collagen ở độ tuổi từ 20 đến 30 có thể có lợi hơn, vì đây là thời điểm các axit amin cần thiết để tạo ra collagen có thể bắt đầu suy giảm.
Dù collagen thường được coi là một chất bổ sung hằng ngày an toàn, tốt và không độc hại cho những người khỏe mạnh và hầu hết người dùng sẽ không gặp phải tác dụng phụ bất lợi. Tuy nhiên, không phải cái gì tốt cũng cần phải bổ sung nhiều, thậm chí lạm dụng khi chưa cần thiết dẫn đến “rước họa vào thân”.
Theo bác sĩ Yến, một số báo cáo cho thấy các triệu chứng, tác dụng phụ khi bổ sung collagen như vị khó chịu, cảm thấy quá no hoặc các vấn đề khác về dạ dày.
Cũng có những báo cáo về thay đổi da như phát ban nhẹ, nổi mề đay hoặc thậm chí là mụn trứng cá sau khi bắt đầu sử dụng thực phẩm bổ sung collagen peptide. Một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này có thể là phản ứng dị ứng với collagen hoặc các thành phần khác có trong thực phẩm bổ sung. Sự gia tăng collagen có khả năng ảnh hưởng đến sự cân bằng của các protein khác trong cơ thể, bao gồm các hormone như testosterone – được biết là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá.
Ngoài ra, thông thường cơ thể con người chỉ hấp thu được một lượng collagen nhất định khoảng 5.000 mg collagen một ngày (cho cân nặng 60 kg). Nếu vượt quá ngưỡng này thì collagen sẽ bị đào thải ngay lập tức ra bên ngoài, gây ra sự lãng phí rất lớn và không đem lại hiệu quả như mong muốn; khả năng tự điều tiết, tự sản sinh collagen của cơ thể cũng bị giảm sút.
Đồng thời, hiệu quả của việc sử dụng collagen cũng có thể khác nhau do cơ địa và mức độ hấp thụ của mỗi cá nhân. Collagen không phải là phương thức có thể thay thế hoàn toàn cho chế độ ăn và chăm sóc da. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe. Trái cây có múi, bông cải xanh, quả mọng, nước hầm xương chứa các mô liên kết hỗ trợ tăng cường collagen tự nhiên cho da được các chuyên gia khuyến nghị.
Mặt khác, để đảm bảo an toàn, cần chọn sản phẩm uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bạn cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Tuân thủ liều lượng và cách sử dụng được khuyến nghị để đạt được kết quả tốt nhất.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi
Nguồn: https://vnexpress.net/bo-sung-collagen-vo-toi-va-o-tuoi-doi-muoi-4810416.html