Đề xuất thử nghiệm có kiểm soát
Bộ KH-ĐT ngày 18.2 gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ KH-ĐT đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Bộ KH-ĐT đề xuất các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ 1.7.2026
Theo đó, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa.
Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm. HĐND TP.HCM và TP.Đà Nẵng quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định, cấp phép thực hiện sandbox.
Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm có kiểm soát, cơ quan hướng dẫn, kiểm soát và người hướng dẫn, kiểm soát được miễn trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm kỷ luật, được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện sandbox do nguyên nhân khách quan.
Tổ chức kinh tế khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực fintech hoạt động tại trung tâm tài chính được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng đối với tổ chức hoạt động tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia hoặc các ưu đãi cao hơn đối với hoạt động đổi mới sáng tạo theo quy định của Chính phủ.
Được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn ngân sách địa phương chi phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực fintech gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1.7.2026.
Bộ KH-ĐT đánh giá, việc triển khai chính sách sandbox sẽ tạo ra môi trường phát triển an toàn cho fintech tại Việt Nam, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, giúp xây dựng một trung tâm tài chính hiện đại, cạnh tranh, bền vững.
Mô hình sandbox giúp startup fintech thử nghiệm ý tưởng với chi phí thấp hơn và ít rủi ro pháp lý. Cơ chế này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi thấy các mô hình kinh doanh được thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát.
Sandbox giúp doanh nghiệp fintech thử nghiệm các mô hình mới như blockchain, tài sản mã hóa, ngân hàng số mà không phải tuân theo các quy định truyền thống ngay lập tức; tạo cơ hội phát triển thị trường tài chính số, Việt Nam có thể trở thành điểm đến cho startup fintech trong khu vực.
Các trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hồng Kông, Anh, Úc đều có mô hình sandbox để thúc đẩy fintech. Nếu Việt Nam triển khai sandbox hiệu quả sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư quốc tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường fintech khu vực.
Tuy nhiên, hạn chế của việc thử nghiệm này là cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, có thể xảy ra lừa đảo tài chính.
Đề nghị không đề cập chính sách cụ thể về tiền mã hóa
Góp ý vào hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Đà Nẵng đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Do còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập đến các chính sách cụ thể.
Nhấn mạnh triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính, để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1.7.2026.
Đồng thời, Bộ KH-ĐT phải tổng hợp ý kiến Ngân hàng Nhà nước, vì theo chính sách này, tài sản mã hóa, tiền mã hóa được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.
Bộ KH-ĐT trình Chính phủ dự kiến tiến độ của dự án như sau: Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào kỳ họp tháng 2. Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-tai-chinh-khong-dong-tinh-giao-dich-tien-ma-hoa-tai-trung-tam-tai-chinh-tu-172026-185250220184505182.htm