Mỹ, Nga, châu Âu và Ukraine đều muốn xung đột Moskva – Kiev sớm kết thúc, nhưng mỗi bên có kỳ vọng khác nhau về đàm phán hòa bình.
Triển vọng hòa bình Ukraine gần đây gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nhất trí bắt đầu đàm phán. Phái đoàn hai nước đã gặp trực tiếp tại Arab Saudi hôm 18/2 để thảo luận về các biện pháp chấm dứt chiến sự, dù không có đại diện nào từ Ukraine hay châu Âu tham dự.
Mỹ, Nga cam kết lắng nghe nguyện vọng của nhau, thêm rằng còn quá sớm để đề cập những gì hai bên mong muốn và sẵn sàng nhượng bộ. Trong khi đó, cả Ukraine và châu Âu đều muốn có vai trò trong tiến trình đàm phán và thể hiện quan điểm của mình về nền “hòa bình bền vững”.
Phái đoàn Mỹ (trái) và Nga tại bàn đàm phán ở Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. Ảnh: AFP
Mỹ
Trong gần ba năm qua, Mỹ là bên viện trợ vũ khí hàng đầu cho Ukraine, với cam kết sẽ “giúp đỡ đến cùng” trong cuộc đối đầu với Nga. Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài, nỗi mệt mỏi dần xuất hiện ở Mỹ và quan điểm của Washington với cuộc chiến nhanh chóng đảo chiều kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Khác với tuyên bố sát cánh đến cùng, khẳng định Ukraine gia nhập NATO là tất yếu của người tiền nhiệm Joe Biden, Tổng thống Trump cam kết chấm dứt sớm nhất có thể chiến sự, cuộc xung đột mà ông Trump cho rằng “đáng lẽ không xảy ra” nếu ông còn đương chức.
Đây dường như là mục tiêu ngắn hạn của ông chủ Nhà Trắng trong đàm phán hòa bình lần này, BBC nhận định. Về dài hạn, Tổng thống Trump có thể muốn Washington ít liên quan đến xung đột hơn, dù đã chi hàng chục tỷ USD viện trợ cho Kiev.
Ông Trump gần đây còn tìm cách tiếp cận nguồn khoáng sản ở Ukraine, liên tục đề cập thỏa thuận trong đó Mỹ chuyển giao các khoản viện trợ cho Ukraine để đổi lấy lượng đất hiếm tương đương 500 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã thăm Kiev để thảo luận về các thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ yêu cầu “đổi đất hiếm lấy an ninh” của Mỹ, tuyên bố Kiev “không thể bán đất nước mình”. Ông cũng chỉ trích đề nghị này là phi lý, khi Mỹ viện trợ cho Ukraine gần 67 tỷ USD vũ khí và 31,5 tỷ USD hỗ trợ tài chính, nhưng lại đòi 500 tỷ USD khoáng sản.
Ông chủ Nhà Trắng chưa nêu cụ thể Ukraine thời hậu chiến sẽ thế nào. Tổng thống Mỹ từng nói Ukraine gia nhập NATO không phải kết quả khả thi và nước này cũng sẽ khó khôi phục biên giới trước năm 2014. Đây rõ ràng không phải giải pháp Ukraine muốn đón nhận, và làm dấy lên lo ngại ở châu Âu.
Ông Trump nói Ukraine sẽ tham gia đàm phán về kết thúc xung đột, nhưng không phải quá trình đang diễn ra ở Arab Saudi. Sau cuộc gặp với đại diện Nga hôm 18/2, phái đoàn Mỹ cho biết đây mới chỉ là khởi đầu của một quá trình kéo dài, và “hiển nhiên” có sự góp mặt của Ukraine và châu Âu.
Giới chuyên gia cũng cho rằng cuộc gặp có vai trò thăm dò, đánh giá các hướng đi tiềm năng để chấm dứt xung đột.
Cục diện chiến sự Nga – Ukraine sau ba năm. Đồ họa: RYV
Nga
Về phía Nga, Tổng thống Putin luôn khẳng định nước này sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Mỹ và châu Âu về tương lai của Kiev, và phải dựa trên lợi ích quốc gia của Moskva.
Trong giai đoạn đầu xung đột, mục tiêu mà Nga hướng tới khi đàm phán với Ukraine là muốn Kiev phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, duy trì trạng thái trung lập, chấp nhận thực tế mới với 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập tháng 9/2022.
Đến nay, các mục tiêu chính Nga hướng đến vẫn là Ukraine không gia nhập NATO, chấp nhận thực tế mới với 4 vùng lãnh thổ và phương Tây dỡ lệnh trừng phạt Nga. Hầu hết quốc gia châu Âu đều bác bỏ những yêu cầu này.
Điện Kremlin khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán về trao đổi lãnh thổ, ám chỉ đề xuất trao đổi khu vực Ukraine đang kiểm soát ở tỉnh Kursk mà Tổng thống Zelensky đưa ra.
Trong cuộc đàm phán ở Arab Saudi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ông trước hết muốn nghe đề xuất từ phía Mỹ về cách chấm dứt xung đột. Với châu Âu, Moskva hiện chưa thấy cần phải mời đại diện khu vực vào bàn đàm phán.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều cho rằng cần có sự thỏa hiệp “từ cả hai bên”, nhưng chưa rõ Nga có thể nhượng bộ những gì.
“Rất khó để biết chính xác Nga sẽ giải quyết thế nào bởi họ chưa đưa ra các yêu cầu một cách chi tiết, tôi đoán họ có thể muốn thi hành một lệnh ngừng bắn dọc theo ranh giới lãnh thổ kiểm soát hiện tại”, Kristian Gleditsch, giáo sư khoa học chính trị Đại học Essex, Anh, nhận định với Channel 4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP
Ukraine
Ukraine đang đối mặt tương lai bất định, khi bị ông Trump gạt ra khỏi giai đoạn đầu đàm phán. Người dân Ukraine muốn xung đột kết thúc, chấm dứt cảnh thức dậy giữa tiếng báo động và mất người thân trên chiến trường. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh nhu cầu về “nền hòa bình bền vững”, không phải một lệnh ngừng bắn tạm thời có thể bị vi phạm bất cứ lúc nào.
Chính quyền Ukraine nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải có điều khoản Nga rút quân hoàn toàn khỏi nước này, bao gồm ở cả bán đảo Crimea mà Moskva sáp nhập năm 2014. Ukraine muốn được làm chủ tương lai của chính họ, trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.
“Ukraine cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào về Ukraine mà không có Kiev tham gia đều không có kết quả. Chúng tôi không thể công nhận một thỏa thuận về chúng tôi mà chúng tôi không thương lượng”, Tổng thống Zelensky nói về nỗ lực đàm phán Mỹ – Nga.
Ukraine nhiều lần mong muốn được NATO chính thức mời gia nhập liên minh quân sự, nhưng chưa được chấp thuận. Nếu NATO không chấp thuận, Kiev kỳ vọng nhận được sự đảm bảo an ninh từ các đối tác, để họ không trở thành mục tiêu bị tấn công một lần nữa.
Châu Âu
Châu Âu cũng đứng ngồi không yên khi bị ông Trump phớt lờ, dù Mỹ là đồng minh quân sự của nhiều nước trong khu vực. Lo ngại về một thỏa thuận có lợi cho Nga, Pháp đã triệu tập họp thượng đỉnh khẩn cấp với các lãnh đạo châu Âu để cùng bày tỏ quan điểm và tìm cách thích nghi với một nước Mỹ xa rời đồng minh dưới thời ông Trump.
“Nếu châu Âu không tham gia đàm phán, Ukraine nguy cơ đối mặt nhiều áp lực phải chấp nhận những điều khoản không phù hợp với lợi ích an ninh và chủ quyền”, theo Faten Ghosn, giáo sư khoa quản trị Đại học Essex, Anh. “Một thỏa thuận chủ yếu do Mỹ và Nga thương lượng nguy cơ làm tan rã sự ủng hộ từ phương Tây và làm suy yếu các cơ chế thực thi trong tương lai”.
Lãnh đạo các nước châu Âu và EU tại cuộc họp thượng đỉnh ở Paris, Pháp ngày 17/2. Ảnh: AFP
Các nước châu Âu tiếp tục khẳng định sự ủng hộ cho Ukraine. Đức nêu rõ không được ép buộc Ukraine trong thỏa thuận hòa bình với Nga, bởi một thỏa thuận có lợi cho Moskva sẽ là thảm họa với Berlin. Tây Ban Nha nói bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có sự tham gia chủ động từ EU và Ukraine, để tránh chiến sự kết thúc “không đúng cách”.
Anh đề xuất đưa binh sĩ đến Ukraine thời hậu chiến và kêu gọi các quốc gia dự họp ở Paris hành động tương tự để giúp đảm bảo thực thi thỏa thuận hòa bình, ngăn Nga phát động chiến dịch một lần nữa. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của một số nước châu Âu, nhưng cũng vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trên châu lục.
Ba Lan lên tiếng mạnh mẽ rằng Nga không được phép giành chiến thắng ở Ukraine, bởi như vậy đồng nghĩa an ninh châu Âu bị đe dọa. Warsaw kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng, nhưng tạm loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine.
Đan Mạch không phản đối ý tưởng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, nhưng cho rằng còn quá sớm để tính đến việc này.
Như Tâm (Theo BBC, Washington Post, Channel 4)
Nguồn: https://vnexpress.net/cac-ben-muon-gi-tu-dam-phan-hoa-binh-ukraine-vnepre-4852195.html