Căn bệnh ẩn có thể gây vỡ mạch máu não
N.T.H, 15 tuổi, sống tại Hà Nội, thường xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau đầu dai dẳng, thỉnh thoảng lên cơn động kinh và suy giảm chức năng thần kinh.
H. được gia đình đưa đi khám tại một bệnh viện trên địa bàn và được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc.
Tuy nhiên, qua 2 năm điều trị, tình trạng của bệnh nhân không thuyên giảm. Thậm chí, thời gian gần đây, các triệu chứng như cơn đau đầu và động kinh còn xuất hiện với tần suất dày hơn và nghiêm trọng hơn.
Do đó, mới đây gia đình đã đưa H. đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thăm khám.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Đức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp tim mạch, qua thăm khám và chụp cộng hưởng từ các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não.
“Chúng tôi xác định bệnh nhân mắc dị dạng động tĩnh mạch (Arteriovenous Malformation – AVM) tại vùng chẩm phải. Đây là một trong những bệnh lý có nguy cơ gây vỡ mạch máu não và chảy máu não nếu không được điều trị kịp thời”, PGS Đức cho hay.
Các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp tim mạch đã chỉ định thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch dưới hướng dẫn chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA).
Trong quá trình này, các bác sĩ đưa catheter qua đường động mạch đùi để tiếp cận vị trí mạch máu dị dạng. Hệ thống DSA sẽ tái hiện hình ảnh chi tiết của mạch máu nhờ thuốc cản quang, giúp bác sĩ xác định chính xác vùng dị dạng.
“Sau đó, chất dịch sinh học gây tắc được đưa vào để làm tắc dòng máu bất thường, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Toàn bộ quá trình can thiệp được tiến hành trong môi trường vô trùng với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tiên tiến và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm”, PGS Đức chia sẻ.
Cũng theo PGS Đức, kỹ thuật can thiệp mạch dưới hướng dẫn DSA đặc biệt hiệu quả trong việc xử trí các bệnh lý dị dạng động tĩnh mạch máu não và phình mạch não, giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng xuất huyết nội sọ, thậm chí là gây tử vong.
Không chủ quan với cơn đau đầu hoặc động kinh ở người trẻ
Theo chuyên gia, bệnh AVM có thể không biểu hiện triệu chứng cho đến khi có biểu hiện xuất huyết não. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân phát hiện được nhờ các dấu hiệu cảnh báo như: đau đầu và động kinh.
Ngoài ra, các triệu chứng thần kinh bất thường khác như: suy giảm thị lực, yếu vận động chi cũng là dấu hiệu không nên bỏ qua.
Khi có các dấu hiệu này, đặc biệt ở người trẻ, cần đến bệnh viện để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như: chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), để phát hiện và chẩn đoán tổn thương dị dạng mạch máu.
“Nếu được phát hiện kịp thời, bệnh nhân mắc AVM có thể được các bác sĩ xây dựng chiến lược điều trị phù hợp.
Bệnh nhân có triệu chứng như: các cơn đau đầu hoặc động kinh không đáp ứng với thuốc điều trị, tổn thương trên hình ảnh có các dấu hiệu nguy cơ xuất huyết như: chảy máu cũ bên trong ổ dị dạng hoặc giả phình, việc can thiệp để loại bỏ dị dạng động tĩnh mạch là giải pháp cần thiết.
Việc can thiệp giúp ngăn ngừa biến chứng xuất huyết não”, PGS Đức khuyến cáo.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/can-thiep-mach-giup-nu-sinh-15-tuoi-tranh-nguy-co-vo-mach-mau-nao-20250110110507236.htm