Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeSức KhỏeCấp cứu 16 ca bệnh hiểm vì nhậu nhẹt sa đà: Đau...

Cấp cứu 16 ca bệnh hiểm vì nhậu nhẹt sa đà: Đau bụng đến “chết đi sống lại”

Thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn (từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2), đơn vị đã tiếp nhận 126 trường hợp viêm tụy. Trong đó, có 16 ca viêm tụy cấp liên quan đến rượu bia.

Đau bụng đến “chết đi sống lại” vì căn bệnh hiểm

Nếu thống kê trong cả năm 2024, Bệnh viện Bình Dân đã điều trị 504 ca viêm tụy, bao gồm 22 trường hợp do rượu.

Đáng chú ý, hầu hết người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng trên, vã mồ hôi, mạch nhanh, tăng huyết áp, bụng chướng căng, sốt cao… sau nhiều ngày uống rượu mừng năm mới.

Do nhầm lẫn với nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, nhiều bệnh nhân tự điều trị tại nhà, khiến bệnh diễn tiến nặng nề.

Điển hình là trường hợp của anh B.Q.B. (39 tuổi, quê Phú Yên) nhập viện cấp cứu vì đau bụng dữ dội từ vùng thượng vị lan sang 2 bên hông lưng, khiến bệnh nhân cảm giác như “chết đi sống lại”.

Cấp cứu 16 ca bệnh hiểm vì nhậu nhẹt sa đà: Đau bụng đến chết đi sống lại - 1

Người đàn ông nhập viện cấp cứu vì viêm tụy cấp (Ảnh: CTV).

Bệnh nhân cho biết, trước đó đã nhậu liên tục 4 ngày với bạn bè. Đến mùng 5 Tết, anh thấy đau bụng ngày một tăng, nhưng nghĩ mình bị viêm đại tràng nên chủ quan không đi khám. Một ngày sau đó, khi thấy bệnh không giảm, người đàn ông đến một phòng khám tại địa phương và được chẩn đoán viêm dạ dày.

Bệnh nhân được chích thuốc giảm đau, nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng đau bụng dữ dội.

Tại Bệnh viện Bình Dân, anh B. được thực hiện xét nghiệm máu và chụp CT scan bụng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh gợi ý viêm tụy cấp nặng thể hoại tử đuôi tụy, có dịch hạ vị, dịch màng phổi hai bên và bụng chướng nhiều hơi.

Xét nghiệm máu của bệnh nhân ghi nhận tình trạng cô đặc máu, chỉ số phản ứng viêm (CRP) trong cơ thể tăng rất cao (340mg/dL, so với bình thường là 0.3mg/dL).

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Thị Ngọc Như, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân, đánh giá đây là một trường hợp viêm tụy nặng cần theo dõi sát. Người đàn ông được chuyển ngay vào khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU).

Cấp cứu 16 ca bệnh hiểm vì nhậu nhẹt sa đà: Đau bụng đến chết đi sống lại - 2

Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bình Dân (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện, anh B. được chuyển đến khoa Nội Tổng hợp để tiếp tục chăm sóc. Hiện tại, tình trạng lâm sàng của anh B. đã cải thiện tốt, giảm đau bụng, bạch cầu trong máu và các chỉ số khác đồng loạt giảm, tình trạng viêm tụy cấp cũng cải thiện so với lúc nhập viện.

Trên giường bệnh, anh B. chia sẻ trước đó chưa từng nghe tới căn bệnh viêm tụy. Ban đầu, anh nghĩ chỉ cần đến khám cấp cứu và về uống thuốc sẽ bớt, không biết có thể nguy hiểm tính mạng.

Uống rượu bia là nguyên nhân chính gây viêm tụy

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Như cho biết, tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men tụy tự hoạt hóa, gây tổn thương mô tụy và nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh đòi hỏi cần được điều trị kịp thời để tránh “cơn bão cytokine”, khi dịch tụy tăng tiết quá mức gây hoại tử nhu mô tụy, suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết…

Một khi viêm tụy cấp hoại tử xảy ra, người bệnh thường có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau chướng bụng, buồn nôn, bí trung đại tiện. Các triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn với các bệnh thông thường như viêm dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa.

Điều này làm cho bệnh nhân chủ quan không đi khám và điều trị sớm, dẫn đến xuất hiện các biến chứng.

Cấp cứu 16 ca bệnh hiểm vì nhậu nhẹt sa đà: Đau bụng đến chết đi sống lại - 3

Bệnh nhân bị viêm tụy cấp phải điều trị tích cực ở bệnh viện (Ảnh: CTV).

Nguyên nhân gây viêm tụy trong hầu hết các trường hợp là do sỏi đường mật hoặc do uống rượu bia. Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% trường hợp viêm tụy mạn tính.

Suy gan, xơ gan do rượu là điều mọi người thường hay nhắc đến, nhưng viêm tụy cấp do rượu mới là tình trạng gây tử vong nhanh chóng nếu diễn tiến nặng.

Bác sĩ khuyến cáo, cách dự phòng viêm tụy cấp do rượu bia là hạn chế nhậu nhẹt quá mức. Người thường uống rượu bia hoặc có tiền sử viêm tụy cần biết về bệnh lý này.

Khi có dấu hiệu như đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện, nôn ói, chướng bụng sau bữa ăn thịnh soạn hoặc uống rượu bia kéo dài, cần khám bệnh sớm để tìm nguyên nhân và được can thiệp phù hợp.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-16-ca-benh-hiem-vi-nhau-nhet-sa-da-dau-bung-den-chet-di-song-lai-20250218130214430.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay