Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng
“Vấn đề lớn nhất đang đặt ra hiện nay là sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, chứ không hẳn là số lượng của các bộ. Vậy điều quan trọng là cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ để có được sự phân công, phân nhiệm thật rõ ràng, minh bạch.
Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông Vận tải có những điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt. Nếu hợp nhất lại, số lượng các bộ sẽ giảm nhưng chức năng, nhiệm vụ của các bộ mới sẽ tăng và tăng rất lớn.
Trong mô hình thể chế nước ta, các bộ trưởng không chỉ làm chính sách mà còn phải quản lý toàn bộ lĩnh vực chính sách của mình. Chúng ta quan niệm bộ trưởng là “tư lệnh ngành”. Ngành quá lớn thì tư lệnh sẽ rất khó điều binh, khiển tướng. Vấn đề không chỉ là năng lực, mà còn là thời gian thực tế để điều hành công việc. Đã là bộ trưởng thì còn là thành viên Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, không ít vị còn là đại biểu Quốc hội… Trong lúc đó, ai cũng chỉ có mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ để sống và làm việc.
…
Chính vì thế, nếu mô thức quản trị không thay đổi, sáp nhập các bộ lại với nhau sẽ rất khó khăn, và nhiều khi tổng lợi ích chưa chắc đã là số dương. Điều hợp lý hơn là nên điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ để tránh trùng lặp.
Ví dụ, chức năng phân bổ ngân sách cho đầu tư công nên chuyển từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sang cho Bộ Tài chính. Trong lúc đó, chuyển chức năng thống kê, chức năng hoạch định chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài sang cho Bộ Tài chính lại không hợp lý. Hay chức năng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, có thể chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải cho Bộ Xây dựng. Trong lúc đó, chức năng quản lý bay chẳng hạn, nếu chuyển sang cho Bộ Xây dựng lại cũng không hợp lý”.
(TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nêu quan điểm trên Báo Tiền Phong ngày 28-6 về bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới).
Nguồn: https://nld.com.vn/trich-dan-nong/chuc-nang-nhiem-vu-giua-cac-bo-dang-bi-chong-cheo-20210628105107232.htm