Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeKinh DoanhChuyển đổi xanh và lời giải từ thực tiễn

Chuyển đổi xanh và lời giải từ thực tiễn

Ngày 19-2, tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh” do Báo Người Lao Động tổ chức, các chuyên gia cho rằng hiện nay quy mô kinh tế xanh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% GDP, phần lớn nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình phát triển truyền thống (kinh tế nâu). Do đó, quá trình chuyển đổi từ nâu sang xanh là một thách thức lớn.

Xu hướng tất yếu

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết ngành gỗ đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh từ rất sớm. Từ năm 2018, ngành đã tích cực lồng ghép các tiêu chí phát triển bền vững vào chiến lược chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Dù có nhiều lợi thế, ngành gỗ vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Phần lớn nguyên liệu gỗ được trồng theo quy mô lớn nhưng chưa tham gia sâu vào quản trị chuỗi cung ứng. “Ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tuy có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những thách thức quan trọng nhất là làm thế nào để chứng minh tính bền vững và thân thiện môi trường của sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Chánh Phương nói.

Theo các DN, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu của thế giới. Dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Số liệu của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) cho thấy phần lớn các DN mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh đều là các tập đoàn lớn, như: Heineken đã đầu tư 14 triệu USD vào năng lượng tái tạo và cắt giảm 50% lượng carbon; Vinamilk đã đạt tỉ lệ 90% bao bì tái chế…

Trong khi đó, DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức. Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch HUBA, dẫn số liệu thống kê cho thấy có khoảng 65% DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó.

Ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Saty Holding, cho biết trước đây, Saty Holding tập trung chủ yếu vào phát triển công nghệ nhưng hiện nay đã mở rộng sang xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực của Việt Nam như lúa gạo và cà phê. Công ty mong muốn hợp tác với các tổ chức tín dụng để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh, qua đó thúc đẩy mô hình canh tác bền vững trên diện rộng. “Sau thời gian đầu tư vào công nghệ xanh trong nông nghiệp, Saty Holding nhận thấy nông dân sẵn sàng thay đổi phương thức sản xuất để hướng tới mô hình thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm xanh, khi thị trường chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nông sản canh tác bền vững và nông sản truyền thống” – ông Nguyễn Thái Việt Huy nói.

Chuyển đổi xanh và lời giải từ thực tiễn- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đều nhìn nhận được vai trò của kinh tế xanh nhưng quá trình chuyển đổi xanh lại gặp không ít rào cản. Ảnh: LÊ THÚY

Động lực từ vốn ưu đãi, cơ chế hỗ trợ

Tại Nông trại Thiên Nông (tỉnh Bình Phước), ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc, cho hay trang trại rộng 50 ha của ông chuyên canh các loại cây như cao su, tiêu, điều, bơ, sầu riêng và đang áp dụng nhiều công nghệ xanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Công nghệ xanh từ hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, IoT (internet vạn vật) để đo lượng khí methane và carbon, cùng với mã điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Chúng tôi còn mong muốn có thể thử nghiệm việc trao đổi tín chỉ carbon khi khách hàng tham gia chăm sóc bơ và sầu riêng thông qua ứng dụng. Đây có thể là một bước đi thúc đẩy việc đo lường và giao dịch tín chỉ carbon trong nông nghiệp, giúp các trang trại tiếp cận thêm cơ hội kinh tế từ quá trình chuyển đổi xanh” – ông Minh Hoàng nói.

Để có thể đẩy mạnh hơn quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng vào sản phẩm dịch vụ, các DN kiến nghị cần chính sách hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi, cơ chế chính sách. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân, nhấn mạnh tín dụng là một rào cản lớn và kiến nghị các ngân hàng (NH) có chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tái chế, đơn giản hóa quy trình thẩm định và điều kiện cấp tín dụng. Bởi, thực tế nhiều chủ DN khởi nghiệp không còn tài sản thế chấp, phải bán cả nhà để có vốn hoạt động.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam, kiến nghị Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về thuế và nghiên cứu – phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. “Nếu có những sản phẩm xanh chất lượng cao hơn, hệ thống siêu thị của Central Retail sẵn sàng ưu tiên sử dụng và đưa vào hệ thống phân phối nhằm đẩy nhanh quá trình giảm thiểu rác thải nhựa và xây dựng một hệ thống bán lẻ bền vững” – bà Vân nói.

Về phía ngành NH, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng DN NH UOB Việt Nam, thông tin NH đang triển khai nhiều sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy tín dụng xanh và hỗ trợ khách hàng DN trong quá trình phát triển bền vững. UOB Việt Nam tập trung vào 6 ngành có cường độ phát thải carbon cao, bao gồm năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép, điện và ô tô. NH còn cung cấp các khoản vay xanh với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay truyền thống, bao gồm tỉ lệ tài trợ cao hơn lên đến 70% đối với các dự án đáp ứng tiêu chuẩn bền vững quốc tế… 

Chuyển đổi xanh và lời giải từ thực tiễn- Ảnh 2.

Nguồn: https://nld.com.vn/chuyen-doi-xanh-va-loi-giai-tu-thuc-tien-19625021921330021.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay