Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeKinh DoanhTháng bận rộn áp thuế của ông Trump

Tháng bận rộn áp thuế của ông Trump

Chỉ trong 2 tuần, Tổng thống Mỹ liên tiếp công bố, hoặc dọa áp thuế với hàng loạt đối tác, trái ngược với sự thận trọng trong ngày nhậm chức.

Ngày 20/1, ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Khác với các tuyên bố mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử, ông không đưa ra sắc lệnh thuế nào trong ngày đầu nhiệm kỳ.

Thay vào đó, ông Trump chỉ yêu cầu các cơ quan chính phủ Mỹ tìm cách giải quyết hoạt động thương mại không công bằng trên toàn cầu, đồng thời điều tra liệu Bắc Kinh có tuân thủ thỏa thuận hai nước ký kết trong nhiệm kỳ đầu của ông hay không. Những việc này nhằm “đảo ngược tác động tiêu cực từ chính sách thương mại trước đây của Mỹ”, theo Bloomberg.

Giới quan sát khi đó nhận định việc này cho thấy sự chuyển biến của Tổng thống Mỹ về cách thức đàm phán. Ông dường như thận trọng hơn so với các tuyên bố đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.

Tuy nhiên, việc này không kéo dài lâu. Hạn chót để các cơ quan nộp báo cáo lên Tổng thống Mỹ về hàng chục vấn đề thương mại là tháng 4. Nhưng từ đầu tháng này, ông Trump đã công bố hàng loạt chính sách thuế mới, khiến căng thẳng thương mại toàn cầu liên tục leo thang.

Ngày 1/2, ông ký lệnh áp thuế lên hàng hóa Mexico, Canada và Trung Quốc. Theo đó, năng lượng nhập khẩu từ Canada sẽ bị áp thuế 10%, trong khi mặt hàng này từ Mexico vẫn chịu thuế 25%. Các mặt hàng khác từ Mexico và Canada chịu mức thuế 25% và toàn bộ hàng Trung Quốc bị áp thêm 10%, từ 0h01 ngày 4/2.

Ngay sau thông tin này, Canada và Mexico đều thông báo sẽ áp thuế trả đũa Mỹ. Còn Trung Quốc tuyên bố kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đến ngày 3/2, chỉ vài giờ trước khi thuế nhập khẩu có hiệu lực, ông Trump tuyên bố hoãn chính sách này một tháng với Mexico và Canada. Nguyên nhân là Mỹ đã đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này.

Trong khi đó, thuế với Trung Quốc vẫn có hiệu lực kể từ ngày 4/2. Trung Quốc ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/2, với mức 10-15%. Hàng loạt kim loại quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum bị siết xuất khẩu “để bảo vệ an ninh quốc gia”. Google bị điều tra chống độc quyền và hai công ty khác của Mỹ bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh nâng thuế nhôm, thép ngày 10/2. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh nâng thuế nhôm, thép ngày 10/2. Ảnh: Reuters

Đến ngày 10/2, ông Trump tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ, bắt đầu từ ngày 4/3. Các nước vốn được miễn trừ từ lần áp thuế trước đó, gồm Canada, Mexico, Brazil, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không còn hưởng ngoại lệ.

Tuy nhiên, các chính sách trên vẫn chưa phải là đòn thuế mạnh nhất của Tổng thống Mỹ. Ngày 13/2, ông Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) với tất cả đối tác thương mại của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ.

Quan chức Nhà Trắng cho biết thuế này sẽ không có hiệu lực ngay. Trước ngày 1/4, Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nộp báo cáo chi tiết về hướng xử lý với từng quốc gia có quan hệ ngoại thương với Mỹ. Việc này nhằm cho phép các quốc gia có thời gian đàm phán các điều khoản thương mại mới với Mỹ.

Giới phân tích nhận định một số lời đe dọa áp thuế của ông Trump dường như chỉ là chiêu đàm phán. Ông coi thuế nhập khẩu là công cụ thuyết phục mạnh mẽ, sẵn sàng sử dụng để buộc các nước nhân nhượng về nhiều vấn đề như nhập cư, ma túy hay thậm chí cả lãnh thổ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ và những người ủng hộ cũng coi đây là chính sách cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, đảo ngược dòng chảy sản xuất rời Mỹ hàng chục năm qua, tạo thêm việc làm mới và giảm thâm hụt thương mại.

Tổng thống Trump đã có quan điểm này từ lâu. Nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông bị can ngăn bởi nhiều người nhận thấy giá trị của thương mại tự do. Một số cố vấn của ông thời đó, gồm cả các chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng hòa và nhiều doanh nhân, khẳng định áp thuế nhập khẩu mạnh tay sẽ gây tổn thương thị trường chứng khoán và kinh tế toàn cầu.

Nhưng lần này, các cố vấn của ông ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Howard Lutnick – người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại – đều công khai ủng hộ thuế nhập khẩu.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump mất hơn một năm mới chính thức áp thuế. Tháng 4/2017, ông khởi động cuộc điều tra về nhôm thép nhập khẩu, nhưng gần một năm sau đó mới công bố áp thuế.

Lần này, giới phân tích chưa nhìn ra yếu tố nào sẽ kìm hãm được ông Trump. Đó có thể là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán – vốn luôn được ông chọn làm tiêu chí đánh giá thành tích điều hành kinh tế. Hoặc là lời phàn nàn từ doanh nghiệp và nông dân Mỹ bị áp thuế trả đũa ở nước ngoài.

Nhưng đến hiện tại, ông Trump tỏ ra không mấy quan tâm đến các hậu quả mà các nhà kinh tế học cảnh báo. Lời đe dọa áp thuế nhập khẩu đã khiến các đối tác thương mại của Mỹ nổi giận. EU, Canada, Mexico đều đã lên danh sách biện pháp trả đũa. Còn Trung Quốc đáp trả ngay sau khi thuế nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực hồi đầu tháng.

Thị trường tài chính cũng liên tục xáo trộn khi căng thẳng thương mại leo thang. Một tháng qua, giá vàng thế giới tăng hơn 8%, tương đương 220 USD lên 2.934 USD một ounce. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 2, giá đã 7 lần lập đỉnh mới, gần nhất là đầu tuần trước, lên 2.942 USD sau khi ông Trump công bố thuế nhôm thép.

Diễn biến giá vàng trong tháng đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Đồ thị: Goldprice

Diễn biến giá vàng trong tháng đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Đồ thị: Goldprice

Wall Street cũng biến động theo các sắc lệnh của Tổng thống. Sau tin tức áp thuế lên Mexico, Canada và Trung Quốc hồi đầu tháng, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt mất gần 1%. Dù vậy, DJIA, S&P 500 và Nasdaq Composite lại bật tăng hơn 1% trong phiên 13/2, khi thuế đối ứng được đánh giá nhẹ hơn dự báo.

Giá nhân dân tệ, peso Mexico và đôla Canada cũng có thời điểm xuống thấp kỷ lục so với đôla Mỹ hồi đầu tháng. Hiện tại, giá các tiền tệ này đã phục hồi phần nào. Tương tự, dầu thô Mỹ WTI từng tăng tới 3% trong phiên 3/2 lên 75 USD một thùng, nhưng hiện đã giảm về 72 USD.

Tại Mỹ, một số doanh nghiệp nội bày tỏ sự ủng hộ với chính sách của Tổng thống. Kevin Dempsey – Giám đốc Hiệp hội Sắt Thép Mỹ nhận định đây là “kế hoạch toàn diện để phục hồi sự công bằng trong quan hệ thương mại của Mỹ”.

Tuy nhiên, nhiều công ty khác đã phải đóng băng đầu tư và tuyển dụng để chờ thêm diễn biến mới. David French – Phó chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Mỹ – cho biết ông ủng hộ giảm rào cản và bất bình đẳng thương mại. Tuy nhiên, quy mô tác động của Tổng thống Mỹ “quá lớn và sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng”.

“Nó sẽ khiến giá cả tăng cao với người dân lao động Mỹ, giảm sức tiêu dùng của các hộ gia đình”, ông cho biết. Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2024. Lạm phát Mỹ đang tăng tốc trở lại, sau khi hạ nhiệt trong phần lớn năm 2024.

Douglas Irwin, Giáo sư tại Cao đẳng Dartmouth, cho biết các đề xuất thuế nhập khẩu của ông Trump là một trong các chính sách thuế thương mại mạnh tay nhất lịch sử nước Mỹ. Edward Alden và Jennifer Hillman – chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) – gọi thuế đối ứng là “sự vi phạm nghiêm trọng các quy định của WTO về việc giữ thuế nhập khẩu trong giới hạn đàm phán”.

Dù vậy, Alden cho rằng ông Trump chưa chắc hiện thực hóa được tất cả tuyên bố của mình. Ông có thể vấp phải phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh đó, quá nhiều quy tắc thuế mới sẽ là “cơn ác mộng” với ngành hải quan. “Tôi nghĩ rằng chính quyền không biết họ đang làm gì đâu”, Alden nói.

Hà Thu (theo Reuters, CNBC, NYT)

Nguồn: https://vnexpress.net/thang-ban-ron-ap-thue-cua-ong-trump-4851258.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay