Theo tiến sĩ Nicole O’Donnell, chuyên ngành Tâm lý học truyền thông, Đại học Truyền thông Edward R. Murrow, Washington (Mỹ), mạng xã hội hoạt động trên một hệ thống biến đổi linh hoạt, cung cấp nội dung không đoán trước nhưng lại khiến người dùng thỏa mãn. Chính sự khó đoán này kích hoạt “hệ thống phần thưởng” của não, làm chúng ta khó cưỡng lại việc lướt mạng xã hội.
“Hành vi không thể thoát ra được mạng xã hội thường có tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của cá nhân trong các lĩnh vực chính của cuộc sống như công việc, trường học hoặc các mối quan hệ. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể có kết quả học tập kém hơn, trở nên xa lánh xã hội và khó điều chỉnh cảm xúc”, nhà tâm lý Natalie Feinblatt (Mỹ) chia sẻ với Health.
Tìm kiếm sự cân bằng cho việc sử dụng mạng xã hội là một thách thức, nhưng không phải là không thể. Dưới đây là những cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh có thể tham khảo, được đề xuất bởi các chuyên gia.
Đặt ra giới hạn thời gian
Chiến lược tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ ‘nghiện mạng xã hội’ chính là đặt giới hạn thời gian sử dụng. Nếu cảm thấy việc tự kiểm soát và hạn chế thời gian là một thách thức, người dùng có thể sử dụng các ứng dụng nhắc nhở thời lượng lướt mạng xã hội mỗi ngày.
Ví dụ khi chuẩn bị đăng nhập nền tảng mạng xã hội bất kỳ, hãy đặt hẹn giờ trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như 10 phút. Điều này có thể giúp phá vỡ sự tập trung của người dùng vào màn hình ngay tức thời.
Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
Theo bác sĩ Petros Levounis, Chủ tịch Khoa Tâm thần học tại Đại học Rutgers (Mỹ), một số tác động nguy hiểm nhất của mạng xã hội thường xảy ra vào giờ ngủ, trong đó “việc thiếu ngủ là tác hại phổ biến và dễ thấy nhất có liên quan tới hành vi sử dụng mạng xã hội. Giấc ngủ kém có thể gây ra nhiều loại hậu quả xấu cho sức khỏe như tăng cân, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch”, ông nói.
Một nghiên cứu năm 2020 cũng chỉ ra rằng việc dùng mạng xã hội vào ban đêm dẫn đến nhiều vấn đề về giấc ngủ ở thanh niên. Levounis cũng khuyên mọi người nên chuyển các thiết bị điện tử sang chế độ im lặng hoặc tắt thông báo, để điện thoại ra khỏi phòng ngủ của vào ban đêm để ngăn ngừa các hành vi gây nghiện, tạo điều kiện cho cơ thể được phục hồi tốt hơn trong thời gian nghỉ ngơi.
Tạo không gian không có mạng xã hội
Bác sĩ Levounis khuyên rằng mọi người nên tự tạo một không gian mà mạng xã hội bị “cấm sử dụng” trong nhà. Ví dụ, việc tránh xa TikTok và Instagram khi ở phòng bếp sẽ tạo cơ hội cho các thành viên được trò chuyện trực tiếp với nhau nhiều hơn trong giờ ăn. Khi càng trở lại với thế giới thực, chúng ta càng ít phải dán mắt vào các thiết bị và nền tảng ảo.
Bên cạnh đó, việc thay thế thời gian dành cho mạng xã hội bằng các hoạt động hấp dẫn như tham gia lớp học bất kỳ, gặp gỡ bạn bè để ăn tối, đi dạo, tập thể dục… cũng được đề xuất bởi chuyên gia tâm lý Fiona Dowman (Anh).
“Tiếp xúc với thiên nhiên là điều rất có lợi cho sức khỏe tâm thần, giúp giảm nguy cơ nghiện mạng xã hội”, Levounis nói.
Thiết lập khoảng nghỉ dài hạn
“Nếu việc đặt ra giới hạn mỗi ngày không giúp ích gì, hãy cân nhắc việc tạm nghỉ trong một khoảng thời gian nhất định – chẳng hạn như một tuần hoặc một tháng – để thiết lập lại thói quen”, nhà tâm lý Feinblatt nói.
Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy những người cai nghiện mạng xã hội hai tuần có tỷ lệ dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội thấp hơn sau đó. Giấc ngủ của họ tốt hơn, cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống, sự căng thẳng và các mối quan hệ cũng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Sử dụng mạng xã hội vì những mặt tích cực
Mặc dù có khả năng gây nghiện nhưng phương tiện truyền thông xã hội có thể phục vụ người dùng với nhiều mặt tích cực. “Truyền thông xã hội cho phép các cá nhân – đặc biệt là những người bị thiệt thòi hoặc bị cô lập – kết nối với những người khác để chia sẻ vấn đề của họ, thúc đẩy cảm giác thân thuộc và hỗ trợ lẫn nhau giữa người với người”, chuyên gia Feinblatt nói.
Bằng cách tận dụng tối đa mặt lợi này, người dùng có thể chỉ đơn giản là sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức hơn. Hãy chỉ chú trọng tới những lợi ích muốn thu được từ mạng xã hội, chẳng hạn như nhận sự hỗ trợ về các vấn đề trong cuộc sống, tìm công thức nấu ăn mới, kết nối với một vài người bạn thân, quản lý nguồn cấp dữ liệu…
Chiến lược này cũng có thể áp dụng cho lứa tuổi nhỏ hơn như trẻ em, thanh thiếu niên. “Tích cực khuyến khích trẻ em sử dụng mạng xã hội để xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa và mở rộng tầm hiểu biết”, Nathan Carroll, bác sĩ tâm thần nội trú tại Trung tâm Y tế Jersey Shore (Mỹ) nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-gia-chia-se-5-cach-su-dung-mang-xa-hoi-khong-gay-nghien-185241030222455737.htm