Bố mẹ tôi đều là con út và tôi lại là con út trong nhà có bốn anh em trai, vì thế không chỉ nhà tôi mà cả họ đều gọi tôi là “út ít”.
Ngày đi học phổ thông, không biết run rủi thế nào mà trong lớp tôi, đám con út chiếm đa số và sau một lần bình chọn duy nhất, tôi trở thành “chủ tịch hội những thằng con út”. Sau nhiều chục năm từ khi chia tay mái trường phổ thông, họp lớp thì mỗi năm 2 lần, nhưng họp “hội những thằng con út” thì được tính theo tháng, thậm chí tính theo tuần bởi phần thì đa số chúng tôi ở gần nhau, phần thì mối đồng cảm con út đã khiến chúng tôi gần nhau hơn.
Là con út, khi còn nhỏ, đứa nào chẳng được chiều chuộng nhất mực. Thủa bao cấp, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình viên chức nhà nước, ưu đãi trong ăn uống có lẽ là ưu đãi không gì so sánh được, vì thế, các chú út bao giờ cũng là người hưởng miếng thịt cuối cùng trong bữa ăn hàng ngày và trong các dịp “ăn tươi” hay lễ tết, sự ưu ái cho chú út trở thành vấn đề không được bàn cãi.
Không những thế, “bé nhỏ, xinh xinh” là lý do được bố mẹ mang theo trong những dịp thăm thú họ hàng. Lâu dần, “cái đuôi” của các cụ lại trở thành những cầu nối trong mối quan hệ họ hàng. Chính vì vậy, tới lúc các cụ đã có tuổi, không phải là các anh con trưởng, mà chính mấy cậu út mới là người được có tiếng nói dễ được chấp nhận trong hoạt động họ hàng.
Tuy nhiên, bất kể vị trí nào trong gia đình, cuối cùng tất cả đều phải đối mặt với hai chuyện: Chăm sóc các cụ tuổi xế chiều và chia nhau thành quả lao động cả đời để của các cụ để lại.
Nhà bố mẹ tôi vốn chỉ là căn hộ tập thể được xây dựng từ thủa bao cấp, nên khi các anh xây dựng gia đình đều cố gắng vay mượn thêm để ra ở riêng. Còn tôi, là con út, nên sau khi lập gia đình, tôi không nghĩ tới chuyện ra ở riêng, bởi cả mấy anh em đều không thể yên tâm khi các cụ đêm hôm một mình.
Ở cùng các cụ, các chuyện lớn bé trong nhà đều do vợ chồng tôi thực hiện. Thôi thì từ chuyện hương khói ngày rằm, mùng một hay cúng giỗ ông bà cho tới chuyện lúc các cụ sụt sịt, đau ốm lặt vặt, vợ chồng tôi đều “tiền trảm hậu tấu”. Thậm chí, việc mua lại căn hộ tập thể theo Nghị định 61-CP, tôi cũng thay mặt bố mẹ và các anh hoàn tất mọi thủ tục. Ngày tháng cứ trôi đi, việc này nối việc khác đã khiến, dù không ý thức, nhưng “út” tôi đã thành thục chuyện “trưởng” từ lúc nào không hay.
Như hầu hết các gia đình Việt Nam, nhà tôi cũng có lệ tổ chức bữa tất niên của đại gia đình vào trưa 30 Tết hàng năm. Đó vừa là dịp ông bà được vui vẻ khi có đầy đủ con cháu vừa là dịp các tiểu gia đình “báo cáo” thành tựu trong năm và đó cũng là dịp mấy anh em chúng tôi thả sức nhậu nhẹt mà không lo lắng gì về mấy cặp mắt sắc như dao cạo của các bà vợ.
Vụ tụ họp tất niên dần trở thành niềm mong chờ của mọi thành viên mỗi khi xuân về và đó cũng chính là lý do khiến chưa bao giờ vợ chồng tôi dám thất trách trong vai trò chủ nhà.
Sau khi kết thúc bữa tất niên năm rồi, khi ngồi bên bàn trà, với vẻ nghiêm túc hiếm thấy, bố mẹ đột nhiên bàn “chuyện sau này”. Bố nói khá nhiều, đại loại là tài sản tích cóp cả đời của các cụ không nhiều, chỉ có số tiền tiết kiệm không lớn và căn hộ tập thể đang ở, nhưng dù sao vẫn phải thống nhất chủ trương khi các cụ còn tỉnh táo.
“Chủ trương” của bố mẹ tôi là, sau này, khi các cụ về với tổ tiên, số tiền tiết kiệm nếu dùng hết thì thôi, nếu còn thì để dùng cho việc hương khói, cúng giỗ sau này. Căn hộ tập thể, dù không lớn nhưng vẫn phải căn theo giá trị mà chia đều cho mỗi anh em một phần.
Anh em chúng tôi lặng đi một lúc, bởi dù quả thật các cụ đều đã qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chưa ai từng nghĩ tới sự hụt hẫng có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào khi vắng đi vị trí người “cầm chịch” trong mỗi bữa tất niên!
Cảm giác là như vậy, nhưng dù sao cũng phải phát biểu ý kiến, và lại giống như những khi phải quyết định những vấn đề lớn trong nhà, mấy cặp mắt chúng tôi đều hướng về phía anh cả.
Ý thức được vị trí của mình, anh trưởng chậm rãi: “Việc bố mẹ phân chia tài sản thừa kế như thế là phù hợp với luật pháp, nhưng riêng phần bố mẹ chia cho con thì con xin nhường chú út, bởi phần thì hoàn cảnh kinh tế của chú ấy yếu nhất trong mấy anh em, phần thì trong những năm vừa qua, vì có chú ấy canh giấc cho bố mẹ nên chúng con mới có thể yên tâm xuôi ngược kiếm ăn. Ngoài ra, trong những năm qua, nhà con vẫn tiếp tục đảm trách phần chi phí sinh hoạt hàng tháng của bố mẹ, vì thế, lương hưu hàng tháng của bố mẹ vẫn tiếp tục để dành phòng khi khó khăn. Số tiền tiết kiệm của bố mẹ tạm thời chưa bàn đến, nhưng riêng phần chi phí giỗ tết sau này, là trưởng, con xin chịu trách nhiệm”.
Sau đó anh trưởng quay sang mấy anh còn lại và hỏi: “Các em thấy ý của anh thế nào”? Và, thật kỳ lạ, dù cho mỗi người một tính, dù cho có anh thực sự không phải là giàu có và dù cho các chị dâu tôi không phải ai cũng là người thoáng trong vấn đề tiền nong, nhưng các anh đều đồng thanh “tuân theo ý bác trưởng”.
Khi các anh ra về, mẹ mới cho tôi biết, trong suốt thời gian tôi làm “trưởng giả”, anh cả vẫn liên tục trao đổi với bố mẹ về những thuận lợi, khó khăn của vợ chồng tôi, về những vấn đề liên quan tới sức khỏe của các cụ và anh đã không cho ai biết về việc thay mặt bố mẹ thanh toán số tiền mà gia đình phải bỏ ra để mua nhà theo Nghị định 61-CP.
Hóa ra, nhiều năm qua tôi cứ lầm tưởng về sự chuyển ngôi từ “út” thành “trưởng” của mình, thậm chí, đôi lúc tôi còn thầm trách sự chểnh mảng, ơ hờ của anh. Nhưng lúc này đây, tôi thầm biết ơn anh trưởng, không chỉ vì số tiền (dù là không quá lớn) được anh miễn cho vợ chồng tôi phải trang trải, mà chính là quyết định của anh đã đem lại sự bình an trong chặng đường cuối của các cụ.
Nhìn vẻ mặt nghệt ra của tôi, mẹ bảo: “Con dù đã là cha của mấy đứa trẻ, nhưng với các anh, con vẫn mãi là đứa em út bé bỏng ngày nào và vẫn đáng được ưu tiên nhận chiếc đùi gà khi nhà mình liên hoan”.
Vâng, bây giờ thì tôi đã hiểu, anh thì luôn là anh lớn, còn em thì vẫn mãi là đứa em nhỏ và nếu trong mỗi gia đình chúng ta luôn tuân thủ điều được gọi là “nếp nhà”, mà ở đó, anh thì phải luôn xứng đáng là anh, còn em nhất định phải giữ phận làm em, chắc chắn, những chuyện đáng tiếc sẽ không có cơ hội xảy ra.
Nếp nhà, đó có lẽ là “chiếc động cơ” không có giới hạn về công suất để giúp nhau cùng vượt qua những khó khăn và với chiếc động cơ đó, đại gia đình sẽ băng băng tiến đến bến bờ hạnh phúc.
Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/chuyen-giu-nep-nha-khi-bo-me-ve-gia-20241012160947795.htm