Chuẩn bị dọn đồ về quê cách Hà Nội hơn 300km, anh La Văn Đinh, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, tâm sự hai vợ chồng đã mua đủ một thùng quà nào là bánh kẹo, hạt hướng dương, trái khô thêm gói quà của công ty và chút tiền biếu ông bà trích ra từ thưởng Tết (khoảng 8 triệu đồng).
Mong về gặp con để bù đắp tình cảm
Anh Đinh kể ở Lào Cai, cả nhà chỉ trông vào việc làm nông trên mảnh vườn cằn cỗi. Để có tiền nuôi hai cháu nhỏ, vợ chồng bàn nhau xuống Hà Nội làm công nhân.
“Ngày xưa xuống đây làm gì có tiền, công ty nào nhận thì vào làm, tự mua xe máy, nồi cơm, bếp gas, tủ quần áo. Cứ nghĩ đến con, hai vợ chồng lại bảo nhau cố gắng, được đồng nào hay đồng ấy”, anh bộc bạch.
Ngồi gấp quần áo bên cạnh, chị Lương Hằng, vợ anh Đinh, nói thêm sau 7 – 8 năm, thu nhập của chị tăng từ vài triệu lên khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng cộng lại được gần 20 triệu nhưng phải chi rất nhiều từ tiền trọ, tiền ăn, tiền xăng xe cho tới gửi vài triệu đồng cho ông bà nuôi cháu.
“Làm cả năm chả dư đồng nào, về quê chỉ có cái vali quần áo, thùng quà với chút tiền chúc Tết ông bà. Mình chỉ mong sớm về quê thăm con, thăm ông bà”, chị Hằng thổ lộ.
Quê nhà cách đường cái chừng vài phút đi bộ, xe khách chạy qua ngày đêm nên hai vợ chồng quyết định đặt xe giường nằm với giá 500.000 đồng/cặp. “Năm nào người về quê cũng nhiều, xe nào cũng đông đúc, không đặt sớm lại phải chen chúc, đặt sớm có chỗ tốt, rộng rãi hơn”, chị nói.
Chị nói thêm Tết là kỳ nghỉ dài để công nhân làm xa như chị có thể ở cạnh chăm lo, bù đắp tình cảm cho các con. Như bao người mẹ khác, chị chỉ mong có công ty gần nhà để về đó làm việc, gần con cái.
Đi xe máy gần 200km để tiết kiệm
Cách đó không xa, trong một căn trọ chừng 20m2 ở thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), anh Nguyễn Tỉnh, 28 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, tranh thủ rút quần áo khô để chuẩn bị về quê. Không như các gia đình khác sẽ về quê ngay sau ca làm, anh Tỉnh tranh thủ ngủ bù sau ca làm đêm vất vả.
Vừa ngủ dậy, anh chỉ kịp rửa mặt rồi nhanh chóng kiểm tra lại chiếc xe máy – phương tiện đưa hai vợ chồng về nhà ở Thanh Hóa. Biết trời rét, có thể kèm mưa bất chợt, anh hỏi mượn mấy túi ni lông lớn và dây thừng để buộc chặt đồ đạc.
“Mình không còn lựa chọn nào khác, tranh thủ ngủ một chút cho khỏe rồi về quê. Mùng 5 công ty đã trở lại làm rồi nên về được sớm ngày nào hay ngày ấy”, anh bộc bạch.
Khi được hỏi sao không đi xe khách, anh lắc đầu vì giá vé xe hơn 200.000 đồng/người, tính cả taxi về nhà thì cũng phải 500.000 đồng/hai vợ chồng.
Do vậy, anh chị chọn đi xe máy, vừa tiết kiệm, vừa có xe đi lại ngày Tết.
“Đi làm cả năm không dư đồng nào đâu, lương mỗi tháng chỉ được 6-7 triệu gì đấy, muốn tiêu gì cũng phải tính toán vì còn tiền nhà (khoảng 2 triệu đồng/tháng), ăn uống, đi lại”, anh bày tỏ.
May mắn hơn vợ chồng trẻ này, anh Nguyễn Giang – Công ty TNHH Enkei Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) – được tổ chức công đoàn tặng vé xe miễn phí. Lỉnh kỉnh mang theo đồ đạc, anh bộc bạch mọi năm gia đình 3 người về quê ở Hà Tĩnh phải mất chừng 1,5 triệu đồng, chưa tính tiền taxi phát sinh khi đi lại.
“Tôi cảm ơn công đoàn đã quan tâm, chăm lo, tặng vé xe về quê. Số tiền không phải mua vé xe tôi sẽ dùng để sắm sửa thêm cho Tết đủ đầy”, anh chia sẻ.
Theo báo cáo nhanh của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có trên 450.000 lao động được tặng vé máy bay, vé tàu, xe về quê đón Tết, nhất là nhóm làm xa ở các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhieu-cong-nhan-mong-som-ve-que-tham-con-20250126131339486.htm