Theo quan niệm dân gian, lễ cúng ông Công ông Táo nhằm mục đích tiễn các vị Thần cai quản bếp núc trong nhà lên trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm qua.
Thông tin trên VTC News , năm 2025, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào thứ Tư, ngày 22/1 dương lịch. Nhiều gia đình lựa chọn ngày giờ thích hợp để cúng ông Công ông Táo để tiện bố trí công việc cũng như đón nhận những điều tốt đẹp, an lành.
Theo sách “Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày” của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2025, ngày 23/12 Âm lịch – Tết ông Công ông Táo – chính là ngày Hoàng đạo, các gia đình có thể lựa chọn thực hiện lễ cúng vào một số giờ tốt như giờ Tý (23h-1h), giờ Dần (3h-5h), giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h).
Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11h-13h) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân.
Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Tư là ngày làm việc giữa tuần nên nhiều gia đình khó thu xếp để cúng được đúng ngày. Nhiều gia đình chọn cúng trước ngày 23 tháng Chạp để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật một cách chu đáo mà không bị áp lực.
– Ngày 19 tháng Chạp (thứ Bảy ngày 18/1 Dương lịch) gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào: Giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
– Ngày 20 tháng Chạp (Chủ nhật ngày 19/1 Dương lịch) các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
– Ngày 21 tháng Chạp (thứ Hai, 20/1 Dương lịch), các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Giờ Dần (3h-5h), giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Tuất (19h-21h) và giờ Hợi (21h-23h).
– Ngày 22 tháng Chạp (thứ Ba, 21/1 Dương lịch) là ngày Tam nương, được coi là ngày xấu.
Theo quan niệm, các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm khiến Táo quân phải chờ đợi lâu khi lên thiên đình, cũng không được muộn hơn giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp vì các ngài sẽ không kịp lên dự buổi chầu.
Theo Tiền Phong , lễ vật cúng Táo quân truyền thống có mũ ông Công gồm hai mũ Táo ông và một mũ Táo bà. Những đồ mã này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Với các gia đình cúng chay, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc canh măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.
Đơn giản hơn nữa có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái trí tuệ. Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chỉ gồm một mâm ngũ quả, 3 bát chè, một đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 cá chép sống. Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông.
Ngoài ra, mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo bao gồm một đĩa gạo, một đĩa muối, gà luộc hoặc một khổ thịt lợn luộc, một bát canh, một đĩa xào, một đĩa giò, một đĩa xôi gấc, một đĩa hoa quả, một ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, một lọ hoa, cá chép sống, một tập giấy tiền, vàng mã.
Chia sẻ với Dân Việt, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, khi thực hiện cúng ông Công ông Táo, người thực hiện lễ cúng cần phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ, cần ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn cúng, cần giữ tâm thái hoan hỉ để tạo ra năng lượng tích cực.
Ngoài ra, mọi người cần tránh một số điều này khi cúng ông Công ông Táo để thể hiện sự thành kính:
+ Lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ nhưng cần lưu ý cúng đồ mới, không sử dụng đồ ăn thừa hay đã qua sử dụng.
+ Tránh làm đổ vỡ đồ vật cúng trong quá trình cúng.
+ Dịp này nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt, thế nhưng, điều này không chỉ gây tốn kém mà lại không đúng về tâm linh.
+ Việc rán cá chép để cúng ông Táo cũng không phù hợp với phong tục, vì với Táo quân, cá chép là phương tiện di chuyển chứ không phải món ăn.
Ngoài ra, khi mọi người thả cá chép cần lưu ý dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước để cho cá tự bơi ra.
Hoặc bạn cho cá vào lòng bàn tay rồi thả nhẹ nhàng xuống nước, tuyệt đối tránh đứng ở trên cầu hay điểm ở trên cao ném xuống sẽ làm cá bị chết. Cùng với đó, không thả cá ở nơi có nguồn nước ô nhiễm.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo
Nguồn: https://kenh14.vn/cung-ong-cong-ong-tao-2025-vao-ngay-nao-gio-nao-dep-215250118144544403.chn