Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1.
Số lượng các Phó Thủ tướng căn cứ vào tình hình thực tiễn
Tại nghị quyết này, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo nghị quyết theo hướng xác định tên gọi các bộ, cơ quan phù hợp với quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, về cơ cấu thành viên Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao nghiên cứu theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Phó Thủ tướng, số lượng cụ thể các Phó Thủ tướng được xác định căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng giai đoạn.
Hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
Về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Đồng thời, thống nhất sự cần thiết xây dựng luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ được giao nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Dự án luật cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ bao gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ.
Bên cạnh đó, giải quyết hài hòa, hợp lý giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương như Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… và giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương.
Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bao quát, toàn diện, chặt chẽ, thể hiện đúng vị trí, chức năng của Chính phủ, Thủ tướng được quy định tại Hiến pháp.
Chính phủ yêu cầu, phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trong đó lưu ý xác định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn không phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn cần đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền.
Đồng thời, quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, ủy quyền làm cơ sở pháp lý để Chính phủ quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào tháng 2.
Theo Hiến pháp 2013, Chính phủ gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định. Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ được phân công.
Khi Thủ tướng vắng mặt, một Phó Thủ tướng được ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Chính phủ hiện do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu và có 5 Phó Thủ tướng gồm các ông Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-khong-quy-dinh-cung-so-luong-pho-thu-tuong-20250121164201047.htm