Sáng 9-11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.
Khắc phục các tồn tại, hạn chế
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay một trong những lý do sửa luật này là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của luật hiện hành.
Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm.
Đồng thời kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
So với luật hiện hành, dự Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách. Cụ thể, nhóm chính sách quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung.
Nhóm chính sách hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Trong đó dự thảo đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay là 3 tháng trở lên).
Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng.
Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo luật quy định rõ các trường hợp không được hưởng gồm người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.
Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức. Người lao động hưởng lương hưu.
Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy so với luật hiện hành, dự luật mới đề xuất bổ sung một trường hợp không được hưởng là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Đề nghị bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới
Thẩm tra nội dung bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay ủy ban nhận thấy việc mở rộng đối tượng như dự luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra…
Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp,
Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-moi-ve-truong-hop-khong-duoc-huong-bao-hiem-that-nghiep-20241109105547219.htm